Ở Quảng Bình, người bản địa thường định danh các hang động theo tên của sinh vật gặp được trong hang, như hang Chuột, hang Ươi, hang Én… Và hang Tiên, hẳn phải là nơi tiên thần trú ngụ. Tôi đến hang Tiên cũng bởi cái cớ ước mong được chạm miền tiên giới.

Kỳ 4: Tìm dấu lạ ở hang Ươi
Kỳ 3: Về Quảng Bình nghe chuyện hang Kim
Kỳ 2: Một ngày nơi hang Rục
Kỳ 1: Xem gì ở hang động lớn thứ 3 thế giới

 

Tầng hai của hang Tiên cũng với kết cấu vòm trần cao rộng, điểm xuyết bởi măng đá, nhũ đá

Hang Tiên tọa lạc nơi thâm sơn vùng rừng Tân Hóa, Minh Hóa cách Phong Nha khoảng 70km đường. Truyền thuyết lý giải về tên gọi hang Tiên, bởi vì nó quá đẹp, đẹp đến nỗi khiến các nàng miền tiên giới phải xôn xao ao ước được một lần hạ thế… check-in hang động này. Thế rồi khi đến nơi, cảnh đẹp của núi rừng, của hang động với những bí ẩn, hấp dẫn và quyến rũ đến độ khiến các cô tiên mải vui quên cả đường về trời.

Lữ khách tạo dáng trước khối nhũ đá khổng lồ ngay cửa vào hang Tiên

Không rõ theo truyền thuyết, các cô tiên ngày xưa đến hang Tiên có “hạ cánh” dễ dàng không, chứ với người trần mắt thịt, để đến được hang Tiên cũng đòi hỏi những khổ nhọc đáng kể. Đầu tiên là chuyến đi rừng để tiếp cận vùng thung lũng, nơi hang tiên ngự trị. Nếu với người đã từng quen với những chuyến thám hiểm hang Én, hang Ươi, hay hang Rục – được miêu tả ở các bài viết trước, thì chuyến đến hang Tiên có vẻ vừa sức hơn, đường đi không quá dốc, không quá khó và nguy hiểm. Đoạn chán nhất của đi rừng đến hang Tiên chỉ ở lúc khởi đầu, sau hơn hai giờ ẩn hiện trong tán rừng, vùng thung lũng mở ra, với phần cửa hang khổng lồ, đen hút ở phía xa đầy ấn tượng.

Cửa hang Tiên ẩn trong tán rừng xanh vùng Tân Hóa, Minh Hóa

Chuyến luồn rừng vất vả tạm dừng, rậm rạp âm u nhường chỗ cho phong cảnh sơn thanh thủy tú, cái đẹp của miền tiên giới bắt đầu lộ diện. Chúng tôi men theo dòng chảy của con sông trong xanh hướng về hang Tiên. Cái đã đời của dòng sông, không phải bởi xanh mát, giải nhiệt cho cung đường rừng vừa chinh phục, mà còn tạo nên vùng phong cảnh huyền ảo, chưa từng gặp trong các chuyến thám hiểm hang động khác vùng Quảng Bình. Đá sông không chỉ ẩn hiện dưới dòng nước, mà trồi lên thành từng cụm, từng phiến, mang dáng hình cổ quái, kỳ bí với cây cỏ xum xuê, trông xa như một tiểu cảnh núi non đầy quyến rũ.

Cảnh đẹp hoang sơ ở đoạn sông trước lối vào hang Tiên

Đoạn băng sông, với những hố đá nhấp nhô, rêu phong trơn trượt, nước chỉ cao ngang đầu gối, đoạn sâu nhất đến lưng bụng, nhưng dòng chảy khá mạnh khiến việc di chuyển có phần nguy hiểm và vất vả. Bù lại, hành trình băng sông giúp chúng tôi có thêm một số kỹ năng cơ bản khi vượt dòng chảy xiết. Sang được đến bờ bên kia, chỉ thêm chục phút đi rừng, cửa hang Tiên hùng vĩ đã hiện hữu trước mặt.

Hình thù và vẻ đẹp của đá núi với những kiến tạo kỳ lạ ở hang Tiên

Do có cửa hang rất lớn, vòm hang cao rộng, nhờ vậy thảm thực vật bám trên thạch nhũ ở khoảng 100m đầu của hang Tiên tạo nên cảnh quan thật đặc biệt, vừa có chút nên thơ, vừa hùng vĩ, lại phảng phất nhiều bí ẩn.

Hình ảnh đối lập giữa con người và thiên nhiên ngay trước cửa hang

Từ ngay cửa hang Tiên, tôi bắt gặp hình ảnh nhũ đá phân bậc, tạo nên từng khối chồng nhau, mọc trên bề mặt là thảm dương xỉ xanh mướt, trông xa thật giống các thửa ruộng bậc thang vùng núi đồi Tây Bắc.

Nhũ đá phân bậc ở ngay cửa vào hang Tiên

Từ cửa hang Tiên, càng vào sâu trong động, lòng hang mở ra như một hố đen khổng lồ. Quan sát các kiến tạo địa chất và vân đá trong lòng hang, chúng tôi nhận ra trên đỉnh cao nhất của vòm trần hang là một vòng xoáy lớn, nhớ lại lần khảo sát hang Tiên cùng những nhà thám hiểm của Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh ở 2012, Trưởng đoàn thám hiểm Howard đã lý giải cho tôi về vòng xoáy kỳ lạ ấy rằng: “Hang Tiên từng là một cửa thoát lũ, dòng nước đổ ra mỗi mùa mưa lũ với khối lượng lớn, thoát không kịp nên dâng cao dần ở đoạn này, tạo thành vệt xoáy ăn mòn lên trần hang”.

Vòng xoáy khổng lồ nơi vòm trần trong hang Tiên

Tôi cùng đoàn thám hiểm hôm ấy đứng trước khổng lồ của tạo hóa nơi hang Tiên, thấy con người thật nhỏ nhoi, trước hùng vĩ nơi hang sâu bí hiểm. Đi tiếp sâu vào lòng hang, chúng tôi chạm mặt với vẻ đẹp quyến rũ khác, cũng từ những thửa ruộng thang có màu vàng óng thật đẹp.

Thêm một thửa ruộng bậc thang trong lòng hang Tiên

Cái cớ để trở lại hang Tiên lần này, còn là để khám phá thêm vẻ đẹp của hang Tiên ở một không gian mới được phát hiện từ 2016. Ở đoạn cuối hang Tiên, có một kẽ đá rất hẹp, chỉ đủ người chui lọt, cao dốc lên trần hang, men theo kẽ đá ấy, tôi đến được một vùng cảnh quan khác mà chỉ vừa nhìn qua, đã phải ồ à thốt lên kinh ngạc.

Khe hẹp cuối hang Tiên, dẫn lối lên một hệ thống hang động mới được khám phá 2016

Tầng hai này của hang Tiên cũng mang kết cấu vòm rộng lớn, phủ kín từ vách hang lên đến trần cao là những kiến tạo địa chất mang đủ hình thù kỳ dị, chúng tôi thỏa sức bay bổng trí tưởng tượng về hình hài nhũ đá ẩn hiện sau ánh đèn.

Vẻ đẹp huyền ảo của hang Tiên ở tầng hai
Bức rèm nhũ đá nối từ vòm trần ở tầng hai của hang Tiên​

Vẻ đẹp đồ sộ, hùng vĩ của “nội thất” trong lòng hang Tiên ở tầng hai mang lại trong tôi nhiều cảm xúc ấn tượng. Điểm xuyết trong không gian rộng lớn ấy là lớp lớp măng đá buông rũ, do là hang khô nên các mảng địa chất đã hóa thạch, ngừng hoạt động, do vậy vẻ đẹp dang dở của tạo hóa vẫn nguyên vẹn hình hài như đã từng ở triệu triệu năm về trước. Cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp và sự hùng vĩ của hang Tiên, hẳn là một trải nghiệm quý giá giúp tôi có thêm nhiều tự tin để tiếp tục tham gia hành trình khám phá những hang động kỳ bí khác.

THIÊN AN (thegioitiepthi.vn)