Măng đá, nhũ đá, viền đá, hoa đá cùng dòng sông ngầm tạo nên một vùng cảnh quan hư hư thực thực nơi hang Rục vùng giáp ranh giữa Tuyên Hóa, Minh Hóa, cách Phong Nha khoảng 100km, với hơn 2 giờ xe chạy.

Kỳ 3: Về Quảng Bình nghe chuyện hang Kim
Kỳ 1: Xem gì ở hang động lớn thứ 3 thế giới

Sông ngầm trong hang Rục và vẻ đẹp kỳ ảo của vòm hang

Trong chuỗi hệ thống hang động núi đá vôi vùng Quảng Bình, hang Rục là một tên gọi tôi yêu thích, không chỉ bởi cùng tên với tộc người bản địa được phát hiện muộn nhất trong số 54 dân tộc Việt (1959 ở Thượng Hóa, Minh Hóa), có tập tính sống trong rừng rậm, lấy hang đá làm nơi trú ẩn, mà còn bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, vừa sức để khám phá và trải nghiệm chỉ với một ngày đường.

Hòa mình vào thiên nhiên trên đường đến hang Rục

Từ địa bản Cao Quảng, ranh giới giữa hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, tôi cùng nhóm khám phá bắt đầu cho hành trình đến hang Rục, với thời gian áng chừng hơn 4 giờ luồn rừng mới đến được cửa hang. Sau vài giờ vượt dốc núi, lối mòn của cung đường rừng mờ dần bởi hiếm người qua lại, hành trình chậm lại bởi người dẫn đường vừa đi vừa phải định hướng theo kinh nghiệm.

Chinh phục vách đá là một trong số thử thách trước khi đến hang Rục

Sau những mỏm đá, khe suối, những khúc loanh quanh vì mất dấu đường rừng, chúng tôi ra đến được mé sông, nước xanh biếc, cảm giác có vẻ dễ thở hơn bởi đã loại bỏ được lũ muỗi háu đói trong tán rừng rậm. Hành trình đến hang Rục bắt đầu đối mặt với một thử thách khác, ấy là chuyện vượt sông để tiếp tục thẳng tiến vào hướng núi. Giữa cái nắng ban trưa, được trầm mình vào làn nước xanh mát, cảm giác thật dễ chịu, phấn khích, bao mệt nhọc của nửa buổi hành trình đi rừng như tan biến. Chỉ với vài chục mét cách trở đôi bờ, nhưng việc bơi ngược dòng kèm chiếc ba lô chống nước trên lưng, khiến hành trình vượt sông không mấy dễ dàng như hình dung ban đầu.

Vượt sông trước khi đến được cửa hang Rục

Sang đến bên kia sông, chỉ mất thêm nửa giờ, cửa hang Rục đã mở ra trước mặt. Vách núi với các khối thạch nhũ buông rủ, rêu phong bám kín, một dấu chỉ cho thấy đây là hệ thống hang động có dòng sông ngầm, hơi nước tỏa ra theo gió, giúp thảm rêu phát triển. Trong chuỗi hang động Quảng Bình, hang Rục có cấu tạo đặc biệt với hai phần: Hang khô (hang hóa thạch) và hang nước (hang đang hoạt động).

Rêu phong trên lối vào hang Rục

Điểm thú vị khi khám phá hang Rục, ấy là nó không quá lớn và kỳ vĩ, dễ gây choáng ngợp. Lòng hang với độ rộng có đoạn chỉ khoảng 1,5m vòm trần cao chừng 3m, với vách đá bao phủ bởi thạch nhũ, hoa đá, măng đá, dưới chân là dòng sông ngầm có đoạn nước ngang đầu gối, sâu hơn cũng chỉ chừng 2m, mang lại cho chúng tôi cảm giác thật tự tin khi từng bước chinh phục lòng hang sâu.

Mang quy mô vừa phải, hang Rục phù hợp cho người bắt đầu làm quen với du lịch thám hiểm hang động

Hết lội rồi lại bơi, vẻ đẹp ngoạn mục, quanh co của hang Rục lộ dần sau ánh đèn chiếu, và tùy cảm nhận từng người, mỗi hình hài ẩn hiện trong lòng hang lại là một khám phá mới lạ.

Một bãi nổi trong lòng hang Rục
Đoạn hẹp nhất của lòng hang chỉ khoảng 1,5m ​
Không gian hang khô với vòm trần cao, nơi ngôi nhà của loài dơi trú ngụ

Phần hang nước trong lòng hang Rục dài độ hơn cây số, thông qua đoạn hang khô. Ở lòng hang này, tôi lại chạm vào một thế giới kỳ bí khác của thạch nhũ, buông rủ từ vòm trần cao rộng. Điểm đặc biệt ở hang khô là đàn dơi khổng lồ hiếm gặp, treo bung bêng trên trần, có diện mạo khá giống với dơi quạ. Chúng tôi rón rén chinh phục tiếp những đoạn dốc lên xuống trong lòng hang, tránh kinh động đến giấc ngủ của dơi để thoát ra ngoài. Mất chưa đầy một giờ khám phá trọn vẹn hang Rục, nhưng cảm giác và trải nghiệm đầy thú vị, giúp tăng thêm độ phê để tiếp tục nghĩ đến hành trình chinh phục những hang động khác kế cận.

THIÊN AN (thegioitiepthi.vn)