“Đừng vội đi Sơn Đoòng” là lời khuyên chân thành dành cho những ai đang ấp ủ chi 3.000 đôla và hơn một năm xếp hàng chờ đợi để được đặt chân đến hang động này. Loạt ký sự thám hiểm hang động được phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online thực hiện trong những chuyến đồng hành cùng thành viên BCRA sẽ đưa ra lời giải mã.

Kỳ 3: Về Quảng Bình nghe chuyện hang Kim
Kỳ 2: Một ngày nơi hang Rục

Trong bản đồ du lịch thám hiểm hang động thế giới, Việt Nam được nhắc đến số một bởi miền “thiên đường” gồm hơn 300 hang động vùng Quảng Bình đã được thành viên thuộc Hiệp hội thám hiểm hang động Hoàng Gia Anh (BCRA) khám phá và công bố. Và Sơn Đoòng – hang lớn nhất, đẹp nhất thế giới, luôn là tâm điểm cho lữ khách đam mê du lịch thám hiểm hang động khao khát một lần được chinh phục.

Ngoài Sơn Đoòng, Việt Nam sở hữu một hang động có số khác ấy là hang Én – hiện xếp thứ 3 thế giới. Thế nên muốn chinh phục ngôi vương Sơn Đoòng, hang Én sẽ là phép thử với lựa chọn hoàn hảo.

Từng chiếm ngôi vị số 01 thế giới ngay khi được khám phá, thám hiểm và công bố từ 1994, sau đó hang Én nhường ngôi cho hang Deer ở Sarawak, Malaysia (2009), và Sơn Đoòng (cùng năm 2009), mãi gần 20 năm sau (2012), những lữ khách đầu tiên mới có cơ hội đặt chân đến hang động huyền bí này ở lõi rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Cái cớ khiến tôi luồn rừng vào hang Én, không chỉ bởi chuyện nhất – nhì – ba trong thứ hạng của hang, mà còn là cơ hội kiểm tra độ bền thể lực với hành trình dài gần 6 giờ đồng hồ, bắt đầu từ km 37 trên cung đường Trường Sơn, trước khi diện kiến được một hang Én hoang sơ, đẹp như miền tiên cảnh.

Khe núi trong hang Én, nơi mỗi sáng hàng triệu chim Én dời tổ đi kiếm ăn

Sau vài bước chân rời cung đường Trường Sơn huyền thoại, thế giới hiện đại dần lùi xa phía sau lưng, tôi đối mặt với rừng xanh, rập rạp, ẩm thấp, kèm se lạnh tiết trời thu, cộng với những cảnh giác cao độ về lũ vắt lá khát máu búng tanh tách đu bám lên người. Sau tuyến đường núi chập chùng, hết lên rồi lại xuống dốc, gối run vì mỏi, thở bở hơi tai, miền “thiên đường” nơi hang Én dần hé lộ với dòng Rào Thương nước ngập ngang gối thấp thoáng uốn quanh dưới thung lũng.

Dòng Rào Thương chảy xuôi vào cửa hang Én ở vách núi phía xa

Đường đến hang Én dần dễ thở hơn, bởi cứ men theo dòng của Rào Thương là đến được hang Én. Nhìn từ xa, cửa vào hang Én mở ra như gã khổng lồ của núi rừng, nuốt chửng dòng Rào Thương vào trong nó. Cái lý thú của chuyến vượt núi đến hang Én, bỏ qua những cực nhọc của đường rừng, thì trải nghiệm đi trong làn nước mát lạnh của Rào Thương với dải núi đá vôi trùng điệp vây quanh, thật là một cảm giác vừa vui sướng, thoáng chút lo sợ bởi thấy mình quá nhỏ bé trước thiên nhiên đất trời.

Không có thạch nhũ đẹp nhưng hang Én mang lại ấn tượng bởi sự hùng vĩ

Về mặt địa lý, hang Én như một cửa thoát lũ tự nhiên chắn dòng Rào Thương, dòng chảy này chỉ “thương” được khi mùa nước cạn, bởi khi mùa mưa lũ đến, nước đổ về hang Én bị thoát chậm, tích lại trong hang dâng cao lên đến hơn 90m, dễ tạo thành những đợt lũ ống, lũ quét đầy nguy hiểm.

Vượt dòng sông ngầm chảy trong lòng hang Én

Mất khoảng 6 giờ luồn rừng và đi dưới vùng thung lũng bản Đoòng, tôi đến được miệng hang. Động đá vôi thường sở hữu vẻ đẹp ấn tượng từ thạch nhũ, riêng hang Én mang một vẻ đẹp khác là sự hùng vĩ, cùng địa mạo địa tầng có độ chênh cao thấp rất lớn và khác lạ, tạo nên bởi dòng chảy ngầm của Rào Thương cùng bào mòn sau những đợt nước lũ.

Địa mạo địa tầng trong hang Én khác biệt hẳn với những hang động khác ở Phong Nha – Kẻ Bàng

Từ miệng hang, tôi cùng đoàn thám hiểm đi sâu vào lòng hang, bám vách đá vượt lên những con dốc cao ngửa mặt, rồi lại xuống tận đáy vực vượt ngầm. Đồng hành cùng từng bước chân khám phá là tiếng kêu hàng triệu con én chọn trần hang làm nơi trú ẩn, tên gọi hang Én cũng bắt nguồn từ nguyên do đó. Trên hành trình chinh phục chiều dài 1.645m trong lòng hang, tôi bắt gặp hình ảnh nhiều chim én già nua, không còn sức chao liệng, phút cuối đời tự rời tổ, táng thân trong lòng hang sâu.

Vẻ đẹp độc đáo với ánh hắt chiếu của dòng Rào Thương nơi cửa vào hang Én

Để đi xuyên qua chiều dài hang Én, mất khoảng một giờ đồng hồ leo trèo, bơi lội, cuối cùng cửa ra hang Én cũng lộ diện. Nếu cả chiều dài hành trình là cuộc thử sức với dốc núi, với những đoạn vượt ngầm, băng sông, thì cửa ra là một màn tưởng thưởng hấp dẫn bởi phong cảnh đẹp cách ma mị. Tán rừng xanh mướt mở ra theo cao độ hơn 120m của vòm hang, thoảng sương mờ, tạo thành bức tranh kỳ ảo. Vách hang là lớp lớp thạch nhũ, nhờ tác động của gió và ánh sáng, giúp lớp rêu bao phủ thành thảm xanh điểm xuyết cho lòng hang thêm đẹp và quyến rũ.

Cửa ra hang Én với tán rừng đẹp như một bức tranh thiên nhiên kỳ ảo

Hang Én đẹp ở sự hùng vĩ của cảnh quan, đẹp ở sự đối lập giữa mênh mông, bao la nơi rừng thẳm và nhỏ bé của con người.

Sự hùng vĩ của cửa ra hang Én với vòm hang cao đến hơn 120m

Khám phá hang Én được ví như hành trình khởi đầu, một bước chạm rất duyên vào thế giới thám hiểm hang động, bởi sau hang Én, còn cả chuỗi những hang động khác đầy hấp dẫn miền Phong Nha – Kẻ Bàng đang chờ đợi.

THIÊN AN (http://thegioitiepthi.vn)