Đừng vội đi Sơn Đoòng Kỳ 4: Tìm dấu lạ ở hang Ươi
Mỗi sáng, đàn đười ươi tụ tập trước cửa hang, hò hét, tấu nhịp khúc rừng xanh, từ đó, người bản địa lấy luôn tên Ươi định danh cho hang động này ở thung lũng núi đá vôi thuộc vùng Minh Hóa, cách Phong Nha hơn 2 giờ xe chạy.
Kỳ 3: Về Quảng Bình nghe chuyện hang Kim
Kỳ 2: Một ngày nơi hang Rục
Kỳ 1: Xem gì ở hang động lớn thứ 3 thế giới
Câu chuyện về hang Ươi được những cư dân đi rừng lão luyện vùng Minh Hóa kể lại vắn tắt như thế với tôi cùng những thành viên thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh (BCRA) trong chuyến thám hiểm các hang động vùng Minh Hóa. Cũng vì hang Ươi là nơi sinh sống của loài linh trưởng to khỏe, với ước tính lúc bầy đàn đông đúc và phỏng đoán tiếng hú có thể lên đến vài chục con, nên dân đi rừng rất ngại bén mảng, khiến cho vùng núi nơi hang Ươi từ bao năm qua càng thêm thâm u, huyền bí.
Câu chuyện hang Ươi đến tai các nhà thám hiểm của BCRA, và tôi được may mắn tham gia cùng đoàn trong chuyến đi ấy. Từ bìa rừng, theo chân những thợ rừng vùng Minh Hóa làm nhiệm vụ dẫn đường, chúng tôi nhắm hướng núi nơi có hang Ươi thẳng tiến. Để tiết kiệm thời gian vượt dốc núi, chúng tôi chọn đường đi qua hang Chuột – một hang nhỏ giáp bìa rừng, độ dài chỉ khoảng 1km. Hang Chuột như cửa ngõ chính dẫn vào thung lũng, đây cũng là con đường của dân d rừng Minh Hóa qua lại nên hành trình theo lối mòn xuyên hang Chuột thật dễ dàng.
Càng tiến sâu vào lõi rừng, độ cao nâng dần, cũng là lúc nhóm dẫn đường và đoàn thám hiểm phải di chuyển theo cảm tính, định hướng mặt trời và đỉnh núi mà đi, vì đường rừng không còn, chỉ là những tán cây, lùm bụi um tùm, ngập chắn lối. Chúng tôi xuyên rừng theo câu chuyện từ những người dẫn đường kể về hang Ươi, rằng hang động này có cửa hang tận trên đỉnh núi, người đi rừng khi gặp mưa bão, chỉ dám trú ẩn ban ngày, khi đàn đười ươi đã vào rừng kiếm ăn, không ai ngủ lại qua đêm vì sợ bị loài linh trưởng tấn công bất ngờ khi xâm nhập lãnh thổ của chúng.
Chưa biết chuyện đười ươi thế nào, nhưng chỉ tính cung đường núi ngày càng dốc đứng, cao ngửa mặt, lại phải cắt rừng mà đi, nên việc di chuyển diễn ra rất chậm chạp. Cái âm u của núi rừng dù đang nắng trưa, nhưng tăm tối không rõ lối, lại là cơ hội hoàn hảo cho lũ muỗi và vắt đu bám theo từng bước chân, không khí thật ngột ngạt, căng thẳng.
Hết vượt núi, lại đến hồi xuống dốc, đoàn thám hiểm tiếp tục vượt qua một dòng sông nhỏ, từ dưới thung lũng này, việc định hướng lên hang Ươi có vẻ thuận lợi hơn nhờ tầm nhìn thoáng. Theo hướng tay chỉ của thợ rừng, hang Ươi trên đỉnh quả núi án ngữ trước mặt. Chúng tôi lại lầm lũi nhắm hướng đỉnh núi thẳng tiến. Vượt qua bao lùm bụi rậm rạp khiến vài người trong đoàn quẹt phải lá nàng hai (mọc nhiều vô kể, lại xanh um tươi tốt khắp rừng). Thứ lá rừng này nhìn qua có vẻ rất thân thiện, dễ thương bởi màu xanh mướt, nhưng lỡ phải chạm vào thì hỡi ơi, đau rát kinh khủng, cảm giác như vừa bị tạt nước sôi lên da thịt, kèm nóng rát ấy là cảm giác ngứa, càng gãi càng loang. Có thể nói trong chuyến thám hiểm hang Ươi, “Nàng Hai” là cái tên khiến tôi khiếp đảm nhất.
Càng lên cao theo dốc núi, rừng thưa dần, những cơn gió thoảng ùa đến thật dễ chịu. Khi cận đỉnh núi, gió lồng lộng, dấu hiệu một cửa hang lớn hút gió ẩn đâu đó. Theo kinh nghiệm thám hiểm hang động của nhóm BCRA, gió lùa càng mạnh, càng chứng tỏ hang lớn, cộng thêm thảm thực vật trước cửa hang có lá kích cỡ luôn lớn hơn nhiều so với thông thường. Đoàn thám hiểm nhanh chóng tìm ra cửa hang Ươi, đúng theo dự đoán là một hang rộng lớn, thuộc dạng hang hóa thạch (hang khô).
Đoàn thám hiểm của BCRA nhanh chóng vào việc, Howard Limbert – trưởng đoàn kiêm nhiệm vụ sử dụng máy đo laser báo thông số cho nhà thám hiểm Martin Holroyd vẽ lại theo biểu đồ lập sẵn trên giấy các chi tiết của hang theo từng 10m chiều dài. Tôi theo các nhà thám hiểm lần từng bước vào hang sâu. Dưới ánh đèn, vẻ đẹp huyền bí của lòng hang mở ra, vòm hang rộng lớn với đủ loại thạch nhũ, măng đá, phát sáng những đốm li ti phản chiếu ánh đèn, phân thành tầng tầng lớp lớp liên hoàn suốt chiều dài hang.
Thuộc dạng hang khô, với ước tính trên 5 triệu năm tuổi, nên các kiến tạo địa chất ở hang Ươi đã ổn định. Điều này khác biệt với các hang có dòng sông ngầm (hang nước), còn gọi là hang sống vì cấu tạo địa chất vẫn tiếp tục vận động theo dòng chảy, hơi nước và gió.
Ngoài vẻ đẹp kỳ vĩ của nhũ đá trong hang Ươi, một điểm đặc biệt khác nằm ở lớp trầm tích đáy hang là thảm đá tròn như viên bi, to bằng ngón chân cái, được BCRA định danh là “ngọc động” (cave pearl). Chính những cơn gió đối lưu mang theo hơi nước, qua triệu triệu năm kết tinh tạo nên lớp ngọc động kỳ bí này. Howard chia sẻ với tôi về những viên ngọc đặc biệt: “Hang động Quảng Bình có đặc trưng rất riêng, đó là các viên ngọc động kích cỡ lớn, ở Sơn Đoòng ngọc to bằng nắm tay, tròn xoe, hang Ươi cũng có kích cỡ đáng kể. Những hang động khác trên thế giới mà tôi biết như ở Anh, một số ít hang có ngọc động chỉ lớn bằng đầu đũa”.
Là hang khô, nên việc di chuyển, khảo sát, lập bản đồ lòng hang không quá khó và phức tạp như địa hình hang nước, chỉ mất nửa buổi BCRA đã thám hiểm xong các ngóc ngách hang Ươi. Được đồng hành theo BCRA trong chuyến thám hiểm ngắn và có phần giản đơn này, nhưng mang lại cho tôi nhiều cơ hội trải nghiệm cùng rừng xanh, cùng những kỹ năng và kinh nghiệm cơ bản trong bộ môn thám hiểm hang động vùng Quảng Bình – miền “thiên đường” với hơn 300 hang và gần 200km hang động đẹp, kỳ vĩ, ấn tượng đã được thám hiểm và công bố, đưa Quảng Bình vào danh sách đầu trong ngành du lịch mạo hiểm, khám phá hang động của thế giới.
THIÊN AN (thegioitiepthi.vn)
Bình luận bài viết