Đừng vội đi Sơn Đoòng Kỳ 3: Về Quảng Bình nghe chuyện hang Kim
Dòng suối chảy quanh thung lũng Tú Làn, đến vách núi thì mất dấu, từ một sự tình cờ, du khách Kim (Hà Lan) đã phát hiện ra lối vào một động sâu ngập nước, nhiều đoạn chưa từng in dấu chân người.
Kỳ 2: Một ngày nơi hang Rục
Kỳ 1: Xem gì ở hang động lớn thứ 3 thế giới
Tôi tham gia chuyến đi cùng Howart Limbert – Trưởng nhóm thám hiểm hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh và hai cộng sự Martin (chuyên gia lặn thám hiểm hang động), Colledge (chuyên gia thiết kế lối đi trên tán rừng) đến Tú Làn 2012, hang Kim khi ấy đã được biết đến và tiến hành khảo sát sơ bộ, nhưng chưa có tên.
Trong hành trình khám phá ấy, hang Kim được chúng tôi tiếp cận từ cửa ra, chỉ là một lỗ thủng nhỏ trên vách đá, dẫn xuống dốc đứng ngổn ngang đất đá do sụt lún. Tôi tham gia cùng đoàn thám hiểm đi sâu vào lòng hang, qua một cửa phụ cũng là hố sụt tạo thành miệng hang rộng lớn giữa lưng chừng núi. Từ hố sụt ấy, đi tiếp vào hang sâu, chúng tôi tìm đến được dòng sông ngầm, dẫn ra một thác nước nhỏ, nơi có loài cá lạ chuyên sống bám vào vách đá ngay dòng nước xiết nơi chân thác. Howart bảo tôi rằng trong đời thám hiểm hang động, ông chưa từng gặp qua loài cá lạ như thế.
Chuyến thám hiểm chỉ mới khai phá được một phần nhỏ của hang Kim, cả đoàn sau đó phải trở về lại vì các chuyên gia hang động cho biết trong hang Kim là dòng sông ngầm, hẳn phải có cửa vào, do vậy điều cần là tìm đường nước dẫn vào hang, việc khám phá khi ấy sẽ thuận tiện hơn.
Tôi vẫn nhớ và ấn tượng với hang Kim, bởi được chứng kiến đo đạc, vẽ lại bản đồ hang, giúp hiểu thêm công việc đầy gian nan, vất vả, nhưng cũng thú vị không kém của BCRA là giới thiệu vẻ đẹp các hang động mới khám phá và công bố với thế giới.
Còn nhớ trong chuyến thám hiểm nửa chừng vào hang Kim, khi cả đoàn trở ra, chuyên gia Martin Holroyd – người lập sơ đồ chi tiết bằng các bản vẽ tay trong những chuyến ông thám hiểm hang động vùng Quảng Bình – đã để lại dưới cục thạch nhũ trên nền hang một tờ giấy nhỏ, trên đó ghi thông số, ngày giờ, kích thước hang mà đoàn đo được. Tôi lấy làm thắc mắc, Martin bảo: “Đây là nguyên tắc trong khi thám hiểm hang động, hang này chưa được khám phá hết, nên khi trở ra, người thám hiểm sẽ để lại tấm giấy thông tin, vừa để đánh dấu, cũng kèm mục đích nếu sau đó có đoàn thám hiểm khác vào, họ sẽ sử dụng thông tin đã có trên giấy để tiếp tục làm nốt phần việc còn lại”.
Bẵng đi một thời gian, trong một chuyến du lịch rừng đến vùng thung lũng Tú Làn, du khách người Hà Lan lúc lội ngoài suối đã phát hiện dòng chảy bị hút vào vách núi. Men theo con nước, Kim đến được cửa hang, từ đó mở ra một vùng hang động bí ẩn, đẹp và đầy quyến rũ. Chuyến thám hiểm tiếp theo được tiến hành, và theo nguyên tắc trong thám hiểm hang động, ai tìm ra lối vào hang đầu tiên, sẽ được vinh dự lấy tên đặt cho hang. Hang Kim được định danh trên bản đồ du lịch thám hiểm hang động Quảng Bình do BCRA công bố là vì vậy.
Trở lại hang Kim lần này, những bí ẩn của thạch nhũ, sông ngầm, lối đi trên các vách núi đã được BCRA giải mã, thế nên hành trình không mang nặng thử thách, mà như cuộc dạo chơi đầy thú vị. Để vào được hang Kim, sẽ là một hành trình băng đồng, vượt núi, xuống thung lũng, vượt sông để đặt chân đến cửa hang – vốn được tạo hóa che lấp thật kín đáo, khó phát hiện.
Từ cửa hang hẹp, lữ khách theo dòng nước trong xanh bơi vào hang sâu, nơi từng trụ thạch nhũ khi cao vút tới tận vòm trần, khi lởm chởm trên vách đá núi, tạo thành vùng cảnh quan ngoạn mục, ấn tượng. Rời dòng sông ngầm là lối đi men theo vách núi, dẫn qua các trụ thạch khổng lồ, cùng những lớp măng đá dọc đường đi dài theo phía cửa ra.
Điểm nhấn ở cuối hang là hố sụt khổng lồ, có nhũ đá buông rơi từ vòm trần, không chỉ mang vẻ đẹp đặc biệt của đất trời, mà còn tạo nên cảm giác như đang đứng trong miệng con quái vật khổng lồ nơi núi rừng hoang dã. Chỉ mất khoảng nửa ngày để có thể phiêu du qua những góc đẹp trong hang Kim, nhưng chuyến đi ấy đảm bảo sẽ là một hành trình ấn tượng, đáng nhớ và thật đầy cảm xúc.
THIÊN AN (thegioitiepthi.vn)
Bình luận bài viết