Về miền ký ức “chang chang cồn cát”
Từ khi có đường bay Hà Nội-Đồng Hới, Quảng Bình thành địa chỉ nghỉ cuối tuần hấp dẫn. Hai ngày hoàn toàn đủ để bạn tận hưởng biển Nhật Lệ và bãi Đá Nhảy trứ danh. Động Thiên Đường cùng sông Chày, hang Tối… cũng là lựa chọn không tồi, nhất là bạn có thêm một ngày nữa tiện di chuyển.
Đẹp cả ngày lẫn đêm
Hàng không giá rẻ tạo nên những tác động sâu rộng đến kinh tế cả một vùng chứ chả chơi. Với vài trăm nghìn rẻ hơn bay thường mà tôi đã mạnh tay đặt vé đi Đồng Hới. Đặt xong mới nhớ thảm họa Formosa từng lan đến đây. Nhưng không sao, ngồi máy bay chừng 1 tiếng đã tới một nơi có rừng, có núi, có biển hơn đứt thành phố khói bụi ô nhiễm rồi.
Sân bay Đồng Hới nhỏ xinh, được trang trí bằng những hàng cây phi lao cắt tỉa gọn gàng thành dạng khối vuông, tạo nên một nét riêng. Mất trăm ngàn taxi là ra đường ven biển. Cảnh vật thanh bình, gối bờ cát hàng thuyền gỗ sơn xanh đỏ rực lên trong nắng. Những điểm cần đến của thành phố như di tích nhà thờ Tam Tòa, Quảng Bình quan, bến đò Mẹ Suốt hay chợ đều ở cự ly rất gần. Từ phía Nhật Lệ chạy qua cây cầu ra cù lao tới ngay một bãi biển khác người dân ở đây gọi là bãi Quảng Trường. Vì cù lao cát đủ rộng để chứa cả quảng trường, phố xá và một resort sang trọng.
Nhật Lệ không hổ danh “vẻ đẹp tráng lệ dưới ánh mặt trời”, cực kỳ bắt nắng ăn sáng, khiến người ta chỉ muốn lao ra biển. Thực ra biển Nhật Lệ không đục hẳn như một số bãi ngoài Bắc, nước ven bờ màu phù sa còn xa xa vẫn xanh đúng kiểu biển miền Trung. Trèo lên cầu Nhật Lệ bạn có thể thấy rõ nước cửa biển chia ra hai phần khác màu như thế nào. Cộng thêm những con sóng bạc đầu náo nức xô bờ làm nên vẻ bắt mắt của bãi biển trong nắng. Không những thế, vào những đêm trăng sáng, Nhật Lệ cũng đẹp mê hồn. Việc của bạn chỉ còn là thuê một khách sạn có ban-công hoặc cửa sổ nhìn ra biển.
Trên bờ cắm nhiều biển báo hướng dẫn khách chỉ nên tắm vào giờ nào và xuống nước thì đừng có quay lưng vào bờ, vì sóng triều lên đánh người sấp mặt như chơi. Bãi cát có vài quán bán hải sản nhưng nói chung vắng vẻ. Tôi ghé vào quán đối diện nhà khách Công Đoàn, có vẻ đông người ngồi hơn cả. Phục vụ khá chậm nhưng đến lúc tính tiền, bà chủ (trông hiền lành chân chất) tự động bớt chỉ vì để khách chờ món lâu. Vì vậy bữa sau tôi quay lại. Thử vài món thấy chế biến vừa miệng, giá không quá đắt. Nói chung tỷ lệ các món ngon ở Đồng Hới khá cao, từ bún bò Huế, phở bê, bánh xèo, nem lụi, cháo canh tôm, cháo lươn… Giá lại mềm. Khác với phần đang phát triển của thành phố, khu phố ven biển nhỏ xinh, gọn gàng, nhiều cây, tập trung nhiều quán cà phê và motel dành cho Tây ba-lô.
Đi hết bãi Nhật Lệ (dài mười mấy cây số) sẽ tới bãi và cồn cát Quang Phú – đủ rộng để có thể quan sát từ trên máy bay. Một điểm tham quan ngay cạnh biển Nhật Lệ là hồ Bàu Tró – một trong những nơi phát tích người Việt cổ. Nhiều hiện vật thời kỳ hậu đồ đá mới được khai quật ở đây. Cái tên hồ Bàu Tró được đặt cho cả một nền văn hóa gồm các di chỉ phân bố dọc các vùng ven biển từ Nghệ-Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế. Hồ là một trong hai nguồn nước ngọt cung cấp cho thành phố. Nếu không, hoàn toàn có thể biến hồ và rừng cây bao quanh thành công viên.
Đến Đá Nhảy ngắm…sinh thực khí
Đá Nhảy không biết đã đến mức là điểm cần phải đến trước khi chết chưa nhưng kỳ quan này đã được xếp hạng quốc gia. Điểm độc đáo chắc không bãi đá nào có là cặp đôi tượng hình quá rõ ràng linga và yoni ngay ở cửa ngõ của khu vực thắng cảnh. Nó quá hữu tình như thể có một bàn tay siêu việt nào đó tạo nên. Không thể nào tự nhiên, tình cờ mà có được một cặp âm dương ngay cạnh nhau như thế?!
Ngoài ra quần thể đá còn lại cũng được dụng công sắp xếp tạo thành những bối cảnh rất hùng vĩ, lãng mạn nhưng cũng khá nguy hiểm. Thế trận đá có chỗ tạo thành những con sóng cực mạnh. Lần đầu tiên tôi cảm thấy như bị ai cầm cả vốc sỏi ném vào người khi bị sóng ở đây đánh. Đâm ra cũng chỉ ngắm đá nghịch nước ven bờ chứ không dám bơi ra xa. Nói thêm là tôi đến Đá Nhảy đúng lúc xấu trời, biển động nên vắng hoe.
Đang tận dụng chút ánh sáng cuối cùng để chụp ảnh thì có ánh đèn pin lóe lên. Hóa ra hai mẹ con trông xe tưởng khách bị làm sao, ra tận nơi tìm. Thực ra họ bán nước giải khát và vài đồ ăn vặt trên bãi biển, tôi mua hàng và được khuyến mại trông xe, không cần vé. Người mẹ trẻ lại còn đang có bầu nữa chứ. Thật là áy náy. May mà họ không phải đi quá xa để tìm tôi.
Người Quảng Bình nhiệt tình thế đó. Khi chúng tôi đang leo dốc trong vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng bỗng thấy kim xăng ở vị trí báo động. May gặp một anh thợ sửa xe đang giúp một du khách nước ngoài. Anh không có xăng bán nhưng nói có thể giúp chúng tôi đẩy xe ra cổng vườn cách đó phải 5-6km. Khuôn mặt anh tỏ ra quan tâm thực sự như thể chúng tôi là người thân quen. May mà kim xăng lại trở về vị trí an toàn. Hóa ra mỗi khi vít ga lên dốc nó lại lui về vùng báo động đỏ như thế.
Đến Phong Nha… để ăn
Cần phải cảm ơn người cho thuê xe máy ở Đồng Hới đã thuyết phục tôi chạy xe máy từ Đồng Hới đến vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Vì đường nói chung tốt và cảnh rất đẹp. Cự ly cũng vừa phải, 35km. Một phần cũng vì đợi mãi không bắt được xe buýt. Người của khách sạn cho hay rất có thể do trên Phong Nha báo mưa nên xe buýt không đưa khách lên nữa. Về sau mới hay lý do này khá hợp lý vì chỉ sau vài cơn mưa, hầu hết các tour ở Phong Nha đều đóng.
Thoạt tiên, chúng tôi háo hức lên kế hoạch đặt tour thám hiểm 7.000m động Thiên Đường. Nhưng khi đến vườn quốc gia rồi, nhân viên bán tour thông báo chỉ vào sâu được 4 km. Cũng chấp nhận nhưng ngay tối hôm đấy lại được báo hủy tour vì mưa nhiều, nước ngập hang. Tuy nhiên tham quan diện thông thường 1km thì vẫn được. Đến suối Moọc cũng đành ngồi gặm gà bên dòng nước xiết. Mọi hoạt động vui chơi khác đều bị hủy bỏ. Tới vườn thực vật, cũng không được thăm thác Gió vì nước dâng cao, đường khó đi. Đành vầy nước ở hồ Vàng Anh.
Tuy nhiên, những ngày ở Phong Nha vẫn để lại cảm giác mãn nguyện vì ngắm cảnh trên đường đi trong khu vực vườn quốc gia đã đủ no mắt. Tối về nghỉ dưỡng ở làng Phong Nha, thích massage, ngồi bar… thì ra phố Tây.
Chúng tôi ở đúng nhà của người tìm ra động Sơn Đoòng mà không biết. Đang ăn tối thì anh ra chào khách. Vậy là có mấy tiếng tâm sự với người nổi tiếng. Hang Sơn Đoòng nếu không lớn nhất thế giới thì đã mang tên anh-Hồ Khanh-rồi. Anh tiết lộ còn tìm ra nhiều hang động khác hoàn toàn có thể làm tour đại trà nhưng hiện vẫn chỉ mình anh biết mà thôi. Vào mùa du lịch, anh vẫn dẫn khách tham quan Sơn Đoòng. Nhưng từ tháng 9 trở đi, chỉ loanh quanh ở nhà chăm sóc cho homestay mang tên mình. Tiếng là homestay nhưng nom cũng giống resort mini ra phết. Kiến trúc do chủ nhân tự thiết kế.
Không biết vợ anh hay cô cháu là đầu bếp chính, chỉ biết chúng tôi có những bữa ăn rất ngon. Ăn thử một bữa bên homestay hàng xóm bình dân hơn cũng ngon nốt. Tóm lại chuyến Quảng Bình này phát về đường ăn uống. Dù sao thì yếu tố con người và ẩm thực cũng đóng vai trò quan trọng làm nên sức hút của một địa danh du lịch. Chưa kể Quảng Bình có quá nhiều thắng cảnh tầm quốc gia và quốc tế. Chắc chắn tôi sẽ còn nhiều dịp quay lại nơi này. Để còn chèo kayak trên sông Chày, tắm bùn trong hang Tối và biết đâu thám hiểm cả hang Va, hang Én…
Bên dòng Son êm đềm đang manh nha hình thành một thị trấn du lịch. Một số nhà dân bung ra làm homestay, tận dụng bờ sông làm nhà hàng, quán cà phê. Chúng tôi “vớ” được một chỗ khá lý tưởng, phòng nhìn ngay ra con sông không sóng. Cách sông, rặng núi hình sin nằm dài, mây giăng trắng đỉnh. Khách tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn đều phải đi thuyền qua quãng sông này. Một số khách nước ngoài không biết cứ đi xe máy men sông đến gần cửa động Phong Nha hy vọng bắt được thuyền vào động nhưng điều đó là không thể. Tất cả du khách đều phải mua vé ở tòa nhà Trung tâm Du lịch và xuất phát từ đó.
Nguồn: tienphong.vn
Bình luận bài viết