Tuyệt vời khám phá hang động ở Quảng Bình
Quảng Bình là tỉnh nằm giữa chiều dài của đất nước. Thiên nhiên khắc nghiệt và vùng đất “cày lên sỏi đá” đã tạo nên ở đây con người cần cù trong lao động, anh dũng trong chiến tranh. Qua thời gian và như một điều kỳ diệu, mảnh đất này đã làm sống lại các kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng, những hạt ngọc đã tô thêm vẻ sáng của vùng đất còn lắm nhọc nhằn: Động Phong Nha và động Thiên Đường.
Phong Nha huyền bí
Động Phong Nha đối với tôi lúc nào cũng mang một vẻ “huyền bí thâm sâu” và nơi đó cũng không ít gợi cho tôi bao nỗi tò mò.
Động phong nha
Thật kinh ngạc! Nằm giữa khúc ruột miền Trung núi rừng trùng điệp, động Phong Nha như là hạt ngọc của đất trời ban tặng Tổ quốc!
Con đường dẫn vào động, trước đây nguyên là con đường đất, trong thời gian chiến tranh, mang trên mình không biết bao nhiêu thương tích bởi bom đạn cày xới, nhưng giờ đây đã được hồi sinh. Con đường như một người dẫn đường miệt mài, thầm lặng, đưa tôi và đoàn khách tìm đến “Động hoa vàng”. Đến đây, một chiếc thuyền lướt nhẹ trên sông Son, lặng lẽ đưa mọi người vào cửa động.
Vào đến cửa động thì… chao ôi! Muôn ngàn âm thanh như một bản hòa tấu giàu âm điệu, không biết từ đâu ở trong hang tuôn ra. Âm thanh luồn qua những khối thạch nhũ, lởm chởm như những hàm răng khổng lồ. Phải chăng tên gọi động “Phong Nha” (Răng và Gió) từ đó mà có? Những khối thạch nhũ đủ hình thù, uyển chuyển đua nhau soi mình trong dòng nước trong xanh và phẳng lặng như mặt gương.
Ở đây, có khối thạch nhũ có tên là Đại Kim Chung (cái chuông vàng lớn), khối thạch nhũ này lớn thứ hai Đông Nam Á. Có khối Tóc Tiên dài đến 24m lóng lánh kim tuyến… Ánh nước hắt vào vách, tạo nên vô số bức tranh “lập thể” lay động, đầy màu sắc, để từ đó con người nhìn ngắm mà tha hồ tưởng tượng: Đây là Phật Bà, nọ là cô Tiên, kia là con Rồng, con Phụng… Ôi! Những tưởng tượng mà con người khó lòng có được ở chốn thị thành đô hội ngược xuôi…
Càng đi sâu vào động, ánh sáng càng nhạt, xen lẫn trong tiếng mái chèo khua nước, như có tiếng chiêng vọng ra, có người nói rằng đó là âm nhạc của Thần núi trong các bữa tiệc rượu vọng về. Tất cả điều đó tạo nên một sức hấp dẫn làm mê mẩn lòng người…
Nhiều người đã cho rằng, sở dĩ hang động có sức lôi cuốn mạnh mẽ như thế là vì trong quá khứ, một thời gian dài gần ba triệu năm, con người đã hình thành và sinh trưởng trong các hang động, từ đó họ bước ra, tạo nên nền văn minh ngày nay.
Ở cách động Phong Nha không xa, vẫn còn có một bản làng người Rục, người Arem, trong số họ, nghe nói cách đây không lâu, vẫn có người còn ở trong hang! Đến với họ, cùng với phong cảnh hang động nơi đây, mọi người như được trút bỏ hết những ưu tư, phiền muộn của cuộc đời, để gợi nhớ về một thuở hồng hoang nguyên thủy của con người…
Động Phong Nha đã trải qua hàng trăm triệu năm biến động của thiên nhiên, để hôm nay trên cánh rừng miền tây đất Việt, hiển hiện nên một hang động thật hoang sơ kỳ ảo: Núi đá vôi, núi đất, sinh cảnh trong các thung lũng, sinh cảnh hang động là một quần thể chẳng nơi nào có được. Con người đến đây, cho dù là ai, cũng lắng đọng tâm tư như thể đi tìm lại nguồn cội của chính mình…
Bên cạnh đó còn có một làng quê nhỏ bé, ẩn mình sau lũy tre làng bên hữu ngạn sông Son. Những chiếc thuyền nhỏ đưa khách ngược xuôi, tiếng thiếu nữ gọi đò bên bến nước… Tất cả đã tạo nên một tuyệt tác hài hòa sinh động của thiên nhiên, con người và vũ trụ…..
Động Thiên Đường kỳ vĩ
Và cách đó khoảng vài chục cây số, một hạt ngọc khác vừa mới được khám phá nhưng không kém vẻ kỳ vĩ: Động Thiên Đường.
Trong động Thiên Đường
Cũng nằm trong lòng rừng núi bạt ngàn, động Thiên Đường được nhiều người ví von là hoàng cung trong lòng đất. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng, động Thiên Đường là một trong những kỳ quan thiên nhiên tráng lệ và huyền ảo vào bậc nhất nhì trên thế giới. Đến đây mới cảm nhận được bốn câu thơ mà ai đó đã dành tặng cho Lạc cảnh chốn trần gian này:
“Tiên cảnh hư hư nơi mộng ảo/ Trần đời thực thực chốn Thiền không/Non non nước nước đâu hơn nhỉ/ Ở chốn trần gian ngỡ ở trời”.
Một cán bộ quản lý của khu kỳ quan này cho biết: Vào năm 2005, từ sự phát hiện ban đầu của một người dân địa phương tên là Hồ Khanh khi một lần ông đi ngang qua vùng núi này, bất chợt cảm nhận được một luồng không khí mát lạnh khác thường từ chân núi tỏa ra. Lần theo làn hơi đó, ông Khanh biết rằng nơi đây có một hang động.
Ít lâu sau, Hiệp hội Nghiên cứu Hang động (Anh Quốc) đã cử nhiều chuyên gia về hang động tới để cùng với địa phương tổ chức khám phá. Sau một thời gian, họ công bố có một hang động đá vôi lớn tại đây.
Động có chiều dài 31,4km, chiều rộng dao động từ 30 đến 100 mét, nơi rộng nhất 150 mét. Chiều cao lên trần động khoảng 60 mét. Tiến sĩ Howard Limbert, một thành viên của Hội cho rằng đây có thể là hang động khô dài nhất châu Á. Hang động cũng nằm trong lòng lõi núi đá vôi của di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, động này còn đẹp và tráng lệ hơn cả động Phong Nha, vì vậy mới được đặt tên là Động Thiên Đường.
Trên đoạn đường dài 2km lên cửa động, khách tham quan sẽ đi bộ (hoặc xe điện đưa đi) trong không khí dịu mát của cây cối, chim chóc, đặc biệt là những đàn bướm bay rợp cả lối đi. Bước lên 524 bậc cấp nữa thì đến cửa động.
Cửa động nhỏ, nằm dưới lèn đá cao hơn trăm mét trông rất ngoạn mục và kỳ vĩ. Một bậc thang dẫn xuống nền động. Trần động vút cao, rộng thênh thang. Đặc biệt với hai cột thạch nhũ khổng lồ, vươn lên cao như những kiến trúc cột chốn thiên đình với nhiều hình thù phong phú. Cảm giác đầu tiên của mỗi người khi bước những đầu tiên xuống động là như vào một xứ sở không thực, chỉ có trong truyện cổ tích.
Khi bước qua cửa động, một làn khí mát lạnh phả vào mặt, và càng vào sâu trong động, không khí càng mát hơn.
Xen lẫn vào hệ thống thạch nhũ là những giếng cạn trong veo. Chậm rãi ngắm nhìn những tác phẩm mỹ thuật thiên nhiên, ai cũng cảm nhận một sự nhẹ nhàng thanh thoát. Trong không gian này, ai cũng cảm thấy thoải mái, bay bổng trí tưởng tượng, bởi bên cạnh các mảng thạch nhũ dài với hoa văn kỳ lạ, những trụ đá lớn như đang chống bầu trời thì có không ít công trình trông giống tòa lâu đài u tối hoặc con thuyền ma!
Lần đi vào sâu trong, hệ thống thạch nhũ kiến tạo trong động càng đa dạng và phong phú về hình dạng. Đặc biệt có những hình ảnh rất giống biểu tượng văn hóa của các vùng miền trên cả nước. Với nhiều thớ đá xoài mình ra thành bậc thang, hình sóng biển uyển chuyển dài hun hút, và phân bậc như ruộng bậc thang tạo cho mọi người sự thích thú và ngạc nhiên khó tả. Trên vách động, thạch nhũ tuôn trào như những rèm cửa sặc sỡ đủ màu. Giữa động xuất hiện những cột thạch nhũ hình ô như biểu trưng của nền văn minh lúa nước. Nhiều cột có hình như tháp Chàm, hoặc hình nhà rông Tây nguyên vô cùng lạ mắt.
Nhưng hình tượng độc đáo nhất trong động Thiên Đường có lẽ là tháp Liên Hoa với những tầng nhũ đá mọc đều và xòe ra như những tầng hoa sen khổng lồ tuyệt đẹp. Đặc biệt, nhũ đá ở tháp Liên Hoa có hướng mọc từ dưới lên. Cho đến nay, điều đó vẫn chưa ai lý giải được. Ấn tượng hơn cả là tháp Chỉ Thiên, như một cây bút khổng lồ chĩa thẳng lên trời xanh cao vút như là biểu trưng cho nền văn hóa lâu đời của dân tộc.
Kế tiếp là một khoảng nhũ dài trải trên nền động trông như một chiếc sa bàn. Đằng kia là hàng chục ụ thạch nhũ cao, nằm trên nền động trông rất giống các tượng Phật. Có cả những cột nhũ lớn trông rất giống Phật Bà Quan Âm. Mỗi khối thạch nhũ có một vẻ đẹp riêng, không khối nào giống khối nào đã tạo nên một thiên đường huyền hoặc. Thôi thì muôn hình vạn trạng, tùy mỗi người mặc sức mà tưởng tượng.
Cũng như động Phong Nha, động Thiên Đường là một tuyệt tác thiên nhiên của dãi đất miền Trung còn lắm khó khăn. Hãy đến để cảm nhận vẻ đẹp vô ngần của thiên nhiên kỳ vĩ; đó cũng là một cách nung nấu ý chí bảo vệ Tổ quốc, quyết không để cho một ai được quyền xâm phạm.
Theo Lao Động Online
Bình luận bài viết