Nếu có dịp đến Đồng Hới ghé thăm biển Nhật Lệ sẽ không ít du khách thắc mắc về con đường mang tên Trương Pháp. Vậy Trương Pháp là ai ? Hi vọng những thông tin dưới đấy sẽ giải đáp được thắc mắc của Quý khách mỗ khi ghé Nhật Lệ ?

Điểm bắt đầu của đường Trương Pháp

Năm 1964, trước nguy cơ phá sản của “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh hoạt động quân sự trên chiến trường miền Nam, đồng thời triển khai các hoạt động phá hoại, khiêu khích và phô trương sức mạnh của mình trước khi leo thang chiến tranh ra miền bắc.

Đối với địa bàn thị xã Đồng Hới lúc đó, thôn Đồng Thành (Hải Thành) có vị trí chiến lược rất quan trọng, là hành lang bảo vệ thị xã. Để thực hiện tốt công tác phòng thủ, từ trung tâm thị xã đến các xã phụ cận được bố trí các đơn vị phòng không và hệ thống vọng gác của dân quân tự vệ thường xuyên tuần tra, canh trực, sẵn sàng báo động và tiêu diệt địch. Lực lượng trực chiến tại bờ biển Nhật Lệ gồm có 1 trung đội dân quân, Đồn công an vũ trang Nhật Lệ và 1 cán bộ tăng cường từ Tỉnh đội.

23 giờ đêm 30-6-1964, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Chính trị viên trung đội dân quân thôn Đồng Thành đang đánh cá ngoài biển thì phát hiện tiếng tàu lạ. Nghi là địch đang đổ quân vào đất liền, ngay lập tức đồng chí quay thuyền vào bờ thông báo và phối hợp cùng Đồn công an vũ trang Nhật Lệ để tăng cường tuần tra phát hiện địch. Trong khi chính trị viên Nguyễn Quang Thái đang trên đường về đồn thì một tốp biệt kích đã lọt vào rừng dương tại khu vực cửa biển Nhật Lệ. Lúc này, tổ dân quân thứ nhất gồm các đồng chí Hoàng Hoa Tương, Trần Thị Nồng và Hồ Thị Lô đang đi tuần dọc bãi cát ven biển.

Tổ dân quân thứ hai gồm các đồng chí Trần Thanh Hồng, Nguyễn Văn Hai và chiến sĩ công an vũ trang Lê Văn Ngọc đang men theo rừng dương thì phát hiện địch. Thấy đã bị lộ, bọn biệt kích liền nổ súng. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hai đã trúng đạn và hy sinh. Hai đồng chí còn lại chiến đấu đến khi súng hết đạn thì dùng đá và cát tiếp tục tấn công quân địch. Khi nghe thấy tiếng súng, chính trị viên Nguyễn Quang Thái đã kịp thời triển khai kế hoạch bao vây và tiêu diệt địch.

Lúc này, đồng chí Trần Thanh Hồng đã nhanh chóng gia nhập cùng tổ dân quân thứ ba gồm các đồng chí Phan Tiến Dũng, Trương Pháp, Lê Ly, Nguyễn Lâm Sung, Nguyễn Ngọc Trúc tiếp tục chiến đấu và chi viện cho đồng đội. Khi phát hiện địch, đồng chí Nguyễn Lâm Sung đã ném lựu đạn giết chết một lính biệt kích và làm bị thương nhiều tên khác. Đồng chí Trần Thanh Hồng, với trái lựu đạn không nổ, đã kiên cường chiến đấu với quân địch khi chúng xông vào định bắt sống.

Trong thời khắc hiểm nguy, chiến sĩ Trương Pháp (SN 1942) lao lên phía trước với lưỡi lê và hô to “Xung phong!”. Hành động của đồng chí Trương Pháp đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội trong cuộc chiến đấu. Họ cùng xông lên tiêu diệt địch. Khi súng hết đạn, Trương Pháp và các chiến sĩ đã dùng báng súng và lưỡi lê đánh giáp lá cà với bọn biệt kích. Súng và lưỡi lê gãy, anh dùng đá và cát tiếp tục chiến đấu, kiên quyết không để bị bắt sống. Biết không thể khuất phục được tinh thần của Trương Pháp, bọn địch đã liên tục nã đạn vào ngực anh. Chiến sĩ dân quân Trương Pháp đã anh dũng hy sinh với 7 vết đạn trên mình. Cùng thời điểm đó, chiến sĩ công an vũ trang Lê Văn Ngọc cũng trúng đạn và hy sinh.

Trận đánh kết thúc trong vòng khoảng hai mươi phút. Kết quả, địch chết 1 tên, bị thương 3 tên và 1 tên bị ta bắt sống vào sáng hôm sau. Về phía ta, 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh gồm Nguyễn Văn Hai, Trương Pháp và Lê Văn Ngọc. Về vũ khí, ta thu được 3 khẩu DKZ, 2 khẩu thompson và 1 xuồng cao su.

Sau trận đánh, 4 chiến sĩ dân quân gồm Nguyễn Quang Thái, Trần Thanh Hồng, Nguyễn Lâm Sung, Phan Tiến Dũng được tặng Huân chương Quân công hạng ba; 5 đồng chí khác được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng bằng khen. Cùng với quá trình bám đất bám làng vừa sản xuất và chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ngày 11-6-1999, Đảng bộ và nhân dân phường Hải Thành vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Trương Pháp được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trận đánh biệt kích đêm 30-6-1964 ở Đồng Thành là một chiến thắng vẻ vang, là niềm tự hào của không chỉ riêng quân và dân Đồng Thành mà của thị xã Đồng Hới và cả tỉnh. Đây cũng là trận chiến minh chứng cho truyền thống đánh địch bằng những vũ khí hiện có và tinh thần quả cảm. Dù vũ khí thô sơ nhưng với quyết tâm và lòng dũng cảm, chúng ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ với những phương tiện chiến tranh tối tân và hiện đại.

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua từ đêm mùa hạ nóng bỏng năm 1964. Những chiến sĩ tham gia trận đánh lịch sử năm xưa giờ người còn người mất. Trong câu chuyện của những người còn sống là những chi tiết rất đỗi đời thường về đồng đội của họ. Đó là mối tình của đồng chí Trương Pháp và cô dân quân Trần Thị Nồng. Trần Thị Nồng chính là cô em gái của chiến sĩ dân quân Trần Thanh Hồng.

Vào thời điểm trước khi trận đánh xảy ra, gia đình Trương Pháp và Trần Thị Nồng đã ấn định đám cưới của họ sẽ tổ chức vào thàng 8-1964. Thế rồi Trương Pháp hy sinh, đám cưới của họ mãi không bao giờ đến. Nén đau thương, cô dân quân Trần Thị Nồng tiếp tục bám trận địa chiến đấu và anh dũng hy sinh vào tháng 6-1967. Đó còn là ba anh em ruột trong một gia đình, gồm Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Lâm Sung và Nguyễn Ngọc Trúc cùng có mặt trong trận đánh lịch sử. Đó là đám cưới đẹp như mơ giữa chiến sĩ Nguyễn Lâm Sung và cô dân quân hoa khôi Hồ Thị Lô. Sau trận đánh, họ đã trở thành vợ chồng. Điều lớn lao và đầy ý nghĩa đối với họ, đó là kỷ niệm 50 năm trận đánh lịch sử cũng là kỷ niệm nửa thế kỷ họ trở thành chồng vợ và kiên cường chiến đấu trên tất cả các mặt trận…