Tìm hiểu về lăng mộ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Quảng Bình
Lăng Mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tọa trên ngọn đồi của dãy núi An Mã, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người đóng góp rất lớn trong công cuộc mở mang bờ cõi phương Nam. Ông được đánh giá là người mở cương vực mới cho đất nước bàng uy đức chứ không bằng chiến tranh.
Vị khai quốc công thần, Thượng đẳng thần, Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần (1650) tại Xã Chương Tín, huyện Phong Lộc nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là một kiệt tướng đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế 1691-1725). Nguyễn Hữu Cảnh là hậu duệ 19 đời của Khởi tổ Nguyễn Bặc; hậu duệ 9 đời của Hậu tổ Nguyễn Trãi; cháu bàng hệ 7 đời của tổ Nguyễn Như Trác; cháu bàng hệ 5 đời của Nguyễn Kim; cháu nội của Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn; con trai thứ 3 của chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật; em ruột của Hào lương hầu Nguyễn Hữu Hào.
Cuộc đời sự nghiệp của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Nguyễn Hữu Cảnh xuất thân trong gia đình võ tướng, lớn lên trong gia đình cả ba cha con đều là những vị tướng có công lao lớn trong việc phò tá các chúa Nguyễn. Tuổi đời chưa quá 22 ông đã cầm quân xông pha trận mạc phì chúa, an dân giữ yên bờ cõi đàng Trong. Là một người văn võ song toàn, da ngăm đen với dáng vóc hùng dũng, nên người dân thường gọi ông với biệt danh là “Hắc Hổ”. Ông là người được chúa Nguyễn vô cùng tin cẩn bởi tài trí thao lược bản lĩnh hơn người.
Những năm 1690 – 1691, Kế Bà Tranh vừa lên ngôi vua Chăm Pa đã bỏ bang giao, thường xuyên đem quân quấy nhiễu, sát hại dân ta, hòng chiếm giành đất. Đến năm 1692 Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn phái làm thống binh bình định biên cương. Đầu năm 1693 ổn định bờ cõi và thành lập trấn Thuận Thành (là đất Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) sau đổi tên là phủ Bình Thuận.
Tháng 2 năm 1698 Chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm thống suất vào xứ Đồng Nai. Vùng đất từ Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa ngày nay) đến Mỹ Tho. Việc làm chủ yếu là mở mang bờ cõi và vào nếp ổn định, an dân.
Ông đã đặt doanh trại tại Cù lao Phố, cùng quan chức dưới quyền thiết lập bộ máy hành chánh nơi vùng đất mới. Đặt xứ Nam Bộ làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên. Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.
Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện một số công việc quan trọng và có ý nghĩa lớn, đặt nền tảng cho công cuộc khai khẩn vùng Nam Bộ thời bấy giờ. Từ một vùng lưu dân tự phát, Nguyễn Hữu Cảnh định hướng phát triển, thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị hành chánh, chuẩn định thuế, lập bộ tịch đinh điền…tạo cơ sở cho việc phát triển Đồng Nai, chính thức hoá vùng đất mới này vào lãnh thổ nước nhà.
Đất đai từ đó mở rộng ngàn dặm vuông, dân số tăng thêm 40,000 hộ. Dân từ vùng Bố Chính trờ vào được chiêu mộ, lập ra ấp, xã, thôn, phân định giới tuyến. Mọi người được phân chia ruộng đất, định thuế đinh, điền và lập bộ tịch.
Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu đem quân tiến công Đại Việt. Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh cùng với phó tướng Phạm Cẩm Long, tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng Trần Thượng Xuyên tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang), đánh tan quân của Nặc Thu.
Sau khi vua Chân Lạp qui hàng, “Nguyễn Hữu Cảnh đã ghé lại thăm và khích lệ dân chúng. Dù người Miên, người Hoa hay Việt hãy cùng chung sống hòa hảo, nương tựa giúp đỡ lẫn nhau. Dân chúng nơi đây vô cùng cảm phục, và yêu mến ông bởi những công lao và tình cảm mà ông dành cho dân chúng.
Tháng 4-1700 Nguyễn Hữu Cảnh đưa quân về đóng tại cồn Cây Sao sau này dân địa phương gọi là Cù Lao ông Chưởng để gợi nhớ công ơn của ông.
Tháng 5-1700 Nguyễn Hữu Cảnh gặp phải căn bệnh hiểm nghèo, mất tại Sầm Giang (Rạch Gầm). Ông được huyền táng táng Cù Lao Phố sau đó được đưa về an nghỉ tại quê hương Quảng Bình.
Sau khi ông mất, Chúa Nguyễn Phúc Chu vô cùng thương tiếc truy tặng ông tước “Hiệp Tán Công Thần, Đặc Tiến Dinh Chưởng, Tráng Hoàng Hầu”. Đến thời các vua nhà Nguyễn (1802-1945) lại gia phong tước “Khai Quốc Công Thần Võ Tráng Võ Tướng Quân Vĩnh An Hầu”, “Thượng Đẳng Công Thần Đặc Trấn Thủ Quốc Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu”. Năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong “Thượng Đẳng Thần” và thờ ở Thái Miếu.
Câu chuyện tìm mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Trải qua thăng trầm của lịch sử, bao cuộc chiến tranh tàn khốc ngôi mộ của ông đã bị thất lạc, không ai biết nằm ở đâu. Dòng họ Nguyễn Hữu ở Quảng Bình đã luôn đau đáu tìm kiếm ngôi mộ của ông. Dòng họ vẫn truyền khẩu với nhau rằng sau khi mất Nguyễn Hữu Cảnh được chôn cất tại Trấn Biên. Đến năm 1802 hậu duệ của ông là Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh đã cải táng ông về vùng Thác Ro (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nhưng trong thực tế ngôi mộ đã thất lạc do chiến tranh, không có dấu tích nên chưa đủ cơ sở khoa học để chứng minh.
Các thế hệ trong dòng họ phối hợp với sở văn hóa tình Quảng Bình đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm. Lần theo các chỉ dẫn truyền miệng qua nhiều đời: “Thượng An Mã, hạ đùng đùng, trung trung nhất huyệt” (phía trên là núi An Mã, phía dưới là phá Hạc Hải, chính giữa là phần mộ). Nhưng qua nhiều năm tháng tìm kiếm khắp khu vực vẫn không thể nào tìm ra.
Thế nhưng một chuyện ly kỳ đã xảy ra đúng dịp giỗ thứ 295 của Lễ Thành Hầu vào ngày 19-5-1995(âm lịch). Vào tối hôm trước đó một người đã được báo mộng: một cụ gì người to cao, râu tóc bạc trắng, mặc áo xanh, tay cầm kiếm bên cạnh có người hầu. Cụ bảo sáng sớm hãy đi tìm, nhất định sẽ tìm được mộ. Thế là sáng sớm mọi người lại quay lại khu vực đã tìm kiếm rất kỹ nhiều lần trước nhưng vẫn không hề có manh mối gì. Tình cờ gặp được một người phụ nữ, qua thăm hỏi thì người phụ nữ bảo rằng có lần nhìn thấy ngôi mộ bằng chữ hán như hình ảnh mọi người cung cấp.
Di chuyển đến khu vực người phụ nữ đó chỉ cách địa điểm đang tìm kiếm vài cây số, họ gặp đứa bé chăn bò. Đứa bé kể lại có thấy ngôi mộ như thế và thường hay thấy thầy Hy thường ra đó thắp hương. Tìm đến nhà thầy Hy thì được chỉ dẫn đến ngôi mộ, trước nay không ai biết là mộ của ai bởi vì trân bia mộ toàn bộ là chữ Hán. Qua bao năm tháng, chiến tranh, thiên tai ngôi mộ vẫn y nguyên, chỉ có vài vết lõm do đạn.
Sau khi phối hợp với sở văn hóa – thông tin Quảng Bình cùng cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã xác định đây chính là mộ ông Nguyễn Hữu Cảnh.
Lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Lệ Thủy,Quảng Bình
Ngày 7-1-2013 khu vực lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh được tôn tạo và nâng cấp. Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Trường Thủy (Lệ Thủy) được mở rộng lên 4,9 ha, gồm các hạng mục lăng mộ, ao sen, cầu đá, đồi thông, bãi đỗ xe, vườn cây ăn quả, công viên cây xanh. Khu vực nhà thờ ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) có tổng diện tích 13 ha, gồm các hạng mục đền thờ chính, nhà thờ cũ, nhà lưu niệm… Một đền thờ chính rộng 300 m2 sẽ được xây mới theo kiểu kiến trúc thời nhà Nguyễn ở Huế, trong đặt tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh bằng đồng cao ba mét.
Lăng Mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia trở thành điểm đến ý nghĩa. Ở đây lưu giữ bia mộ vô cùng giá trị về giá trị lịch sử.
Bia mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cao 1,2m được tạc bằng đá cẩm thạch với kiểu dáng thường gặp cuối thời nhà Nguyễn.
Mặt trước của bia hướng về ngôi mộ được khắc 3 dòng chữ Hán:
– Dòng phải: “Nguyễn triều sơ thác Nam tung khai quốc công thần thượng cấp”
Người mở mang đầu tiên miền Nam bậc khai quốc thần thượng cấp của triều Nguyễn.
– Dòng giữa: “Vĩnh An hầu Nguyễn Hữu Cảnh chi mộ”
Mộ của Vĩnh an hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
– Dòng trái: “Gia Long sơ niên, Quý hương nhân kỳ huyền tôn thi Hưng Nghĩa đạo Cai đội Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh”
Người cháu 4 đời của quý hương là quan cai quản đạo quân hưng nghĩa Ngũ Đức Hầu Nguyễn Hữu Mạn lập bia mộ vào thời Gia Long sơ niên.
Mặt sau bia: “Bảo Đại ngũ niên thất nguyệt thập lục nhật. Hậu duệ Cơ mật viện Viện trưởng đại thần Thái tử Thái phó Võ hiển đại học sĩ Phước Môn bá Nguyễn Hữu Bài, huệ tử Hữu Giải, nữ thị Dương, cung xướng thụ bia cẩn chỉ”
Ngày 16 tháng 7 năm 1925 Nguyễn Hữu Bài viện trưởng Viện cơ mật, Đại thần thái tử thái phó, Phúc môn bá Đại học sĩ điện Võ Hiện đã mang con là Thị Dương tôn kính phụng lập bia mộ này.
Tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh đã và luôn sẽ mãi được khắc ghi trong lòng người dân Việt Nam.
“Công Lễ Thành Hầu đi mở đất
Nghìn năm con cháu mãi còn ghi”
Lăng Mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh góp phần tôn vinh giá trị lịch sử và vai trò của ông. Là điểm đến ý nghĩa cho du khách trong chuyến du lịch Quảng Bình. Mang tính giáo dục tình yêu thương đất nước cho thế hệ sau.
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
Điểm tên 15 đặc sản Quảng Bình nhất định phải thử
Ngoài những cảnh đẹp ấn tượng, vùng đất đầy nắng và gió Quảng Bình cũng có nền ẩm thực đặc trưng vô cùng hấp dẫn.
Độc đáo những món đồ uống ‘đặc sệt’ chất Quảng Bình
Từ loài cây gai mọc trên đồi cát cằn cỗi cho đến loại quả gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, một phụ nữ ở Quảng Bình đã sáng tạo những món đồ uống với hương vị vừa lạ vừa quen, đậm chất quê.
Thịt trâu lá trơng Quảng Bình – hương vị lạ lẫm ‘mê hoặc’ thực khách
Thịt trâu lá trơng món ăn quen thuộc ở Quảng Bình và là món ăn ngon đầy bổ dưỡng. Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có cách chế biến thành những món ngon khác nhau.
Kinh nghiệm đi Ozo Park
Khu du lịch sinh thái OZO Park là một điểm dã ngoại rộng gần 5ha, nằm kế bên rừng nguyên sinh thuộc quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng
Quảng Bình phát hiện thêm 22 hang động mới hoang sơ, đầy kỳ bí
Việc phát hiện 22 hang động mới mang giá trị khoa học về địa mạo, địa chất, là tiềm năng lớn để phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới..
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bình luận bài viết