Nhà bác học Lê Quý Đôn khi điền dã lưu vực sông Gianh đã ghi lại: “Châu Bắc Bố Chính lấy núi Thời Mai làm trấn sơn, sông dài của châu thì có một dòng từ các xã Kim Lũ, Thanh Lạng qua Trần Bồi mà xuống Lũ Đăng rồi ra cửa Đại Linh. Lại một dòng từ chân núi Thời Mai chảy xuống Kim Minh đến cửa Hác hợp với Lũ Đăng cũng ra cửa Đại Linh. Nguồn sông xa và rộng. Từ Nghệ An đi về phía nam vượt núi Hoành Sơn qua các xã Thuận Thần, Phù Lưu đi về phía đông, đến Lũ Đăng thì tới sông Gianh…”

Dẫn nguồn của Lê Quý Đôn là theo tên cổ, ngày nay là các rào Nậy, rào Nan, rào Trổ và rào Son hợp lưu thành sông Gianh. Tên cổ là Đại Linh Giang, cửa Đại Linh là cửa Gianh. Bút tích của nhà bác học cuối thế kỷ 18 còn ghi lại tính năng vận tải của dòng sông và những dòng miêu tả nên thơ: “Dân đội Phúc Nhất, sách Thanh Lãng và Kim Lũ đi thuyền xuống phía nam mua sắm ở chợ ấy. Châu Bố Chính dân ở nước làm nghề chài cá, lại quen lên thượng lưu lấy ván đóng thuyền…

Vào những đêm trăng sáng, sương mờ nhẹ phủ, bóng cây bóng núi tầng tầng hắt xuống lòng sông phẳng lặng như tờ. Một tiếng gõ nhẹ mạn thuyền đuổi cá cũng làm xao động cả mặt sông…” (Phủ biên tạp lục).

Bố Chính là tên cổ của hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch bây giờ. Năm 1069, Lý Thường Kiệt theo vua Lý nam chinh thu hồi ba châu Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh. Năm 1075, lại vẽ bản đồ ba châu, đổi Bố Chinh thành Bố Chính, Ma Linh thành Minh Linh, Địa Lý thành Lâm Bình. (Gần nghìn năm trôi qua, tên xưa còn dấu tích trong hai chữ Bố của Bố Trạch, Linh của Vĩnh Linh- Gio Linh).

Đó là lần đầu tiên sông Gianh- Đại Linh Giang có tên trong bản đồ Đại Việt. Năm 1630, chúa Nguyễn phản công lấy lại vùng ngoại Bố Chính từ tay quân Trịnh. Ngoại Bố Chính là vùng nam sông Gianh, giữ cho Đào Duy Từ dựng hệ thống chiến lũy giúp chúa Nguyễn cát cứ lâu dài và tiến xuống phương Nam. Lịch sử không để lại một văn bản nào chứng minh có một “hiệp định” giữa hai thế lực Trịnh-Nguyễn, nhưng thực tế thì sau những cuộc giao tranh đẫm máu bất phân thắng phụ, năm 1672, hai bên hưu chiến, sông Gianh trở thành giới tuyến về mặt hành chính.

102 năm sau, năm 1774, quân Trịnh vượt sông Gianh tập kích đồn Động Hải ( Đồng Hới), Phú Xuân tan vỡ. Mười năm sau, Nguyễn Huệ vượt sông Gianh đuổi quân Trịnh chạy dài ra tận Thăng Long, nhất thống sơn hà để tám năm sau nữa lại vượt sông Gianh thần tốc trực chỉ hướng Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh.

Lang thang đôi dòng về lý lịch con sông đã đi vào lịch sử và cùng với lịch sử hình thành vùng dân cư là tính năng mạch máu giao thông xuôi ngược. Năm 1959, dưới cái tên ngụy trang “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, chuyến tàu đầu tiên từ sông Gianh rời bến mở đường Hồ Chí Minh trên biển chở vũ khí vào Nam. Chuyến đi không thành công nhưng là bước thử nghiệm tập dượt cho thông tuyến sau này. Mặt nước sông Gianh cũng là mặt trận diễn ra cuộc đọ sức đầu tiên giữa hải quân Việt Nam với không quân Mỹ cuối năm 1964.

Sông Gianh! “Từ năm 1889 đã có tàu Bạch Đằng của công ty Bạch Thái Bưởi mỗi tháng hai lần vào cửa Gianh chở gỗ ra Hải Phòng… nguồn Rào Nậy (sông Gianh) tàu 50 tấn có thể lên đến Minh Cầm.Thuyền 5 tấn lên đến Đồng Lào cách cửa Gianh 62km…” (Lịch sử ngành Giao thông Vận tải Quảng Bình). Cửa Gianh! Nguồn cảm hứng thi ca cho tao nhân mặc khách và cả những vị hoàng đế trên đường ngự giá thân chinh cảm khái.

Cầu Gianh được xây dựng năm 1995 chấm dứt giai đoạn đi lại khó khăn bàng phà Gianh

Lê Thánh Tông (1442-1497) trên đường hành quân những năm 1470-1471 để lại bài “Linh Giang Hải Tấn” (Cửa biển sông Gianh). Đại thi hào Nguyễn Du thời kỳ làm cai bạ Quảng Bình đã viết “Độ Linh Giang” (Qua sông Gianh) tâm sự thật ấn tượng:

“Bình sa tận xứ thủy thiên phù
Hạo hạo yên ba cổ độ thu…”

(Bãi cát bằng đến tận nơi nước trời bập bềnh, Bến cũ về thu mênh mông khói sóng)

Phan Huy Ích (1750-1822) có bài “Độ Đại Linh Giang”:

“Chinh phàm phiếm phiếm quá
Gianh Hà
Ủng tiết trung lưu thính trạo ca
Nhị bách niên lai y đái trở
Hướng kim nhất vỹ thiếp tình ba”

(Cánh buồm lênh đênh qua sông Gianh/ Cầm cờ tiết đứng giữa dòng nghe khúc hát đò đưa/ Đã hai trăm năm con sông dải áo ngăn cách/ Mà nay một lá thuyền bình yên trong sóng đầy ánh sáng)

Với dân sinh và nhà cầm quyền, sông Gianh trước hết và luôn là hệ thống giao thông phục vụ đời sống xã hội muôn mặt và nhu cầu an ninh quốc phòng.

Năm 1893, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu mở “đường thuộc địa số một” đi qua Quảng Bình (đường quốc lộ Một ngày nay). Khảo sát, đo đạc, phóng tuyến và thi công đến năm 1914 thì gặp thế chiến hai phải ngưng lại đến năm 1918 mới tiếp tục. Chính phủ bảo hộ dùng phà 12 tấn để chở xe qua sông Gianh nhưng không có ca nô đẩy mà mỗi phà dùng tám thủy thủ chèo tay. Tạm coi năm 1918 khai sinh, đến năm 1960, bộ Giao thông Vận tải quyết định xây dựng bến phà hai sông Gianh ở vùng thượng lưu thuộc địa phận xã Quảng Thuận qua xã Hạ Trạch rộng 600 mét. Năm1998 khánh thành cầu Gianh.

Vậy là, hai cụm bến phà một và hai tồn tại bảy mươi năm, trải hai cuộc chiến tranh, từ chín năm chống Pháp “Bình Trị Thiên khói lửa” đến “tuyến lửa khu bốn- Quảng Bình” trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ.

Bến phà Gianh đã đi vào lịch sử ngành Giao thông vận tải, lịch sử dân tộc như một đơn vị, một địa danh huyền thoại. Nhắc đến Phà Gianh, hàng triệu cựu chiến binh đã từng hành quân vào Nam và người Việt Nam sống những năm tháng chiến tranh chống Mỹ đều ấn tượng về những hình ảnh hùng tráng và bi thương nhất mà con người thế kỷ hai mươi có thể hình dung được, khắc dấu những kỷ niệm không bao giờ phôi pha. Nửa cuối năm 1964, Mỹ leo thamg bắn phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Cứ hình dung Quảng Bình như một quầng lửa cháy suốt bốn năm.

Thời ấy đường sắt từ Vinh vào chưa được khôi phục, đường Trường Sơn chưa vận chuyển cơ giới. Mọi chi viện sức người sức của cho miền Nam đều bằng đường bộ qua phà Gianh. Chặt đứt được “cuống họng” 600 mét mặt nước này là cắt rời mạch máu chiến lược Bắc-Nam. Ngày 8-12-1965, bến phà Gianh quân sự hóa triệt để. Với quân số 160 người chia thành 12 “chuyên ngành hẹp”: Đảm bảo giao thông, các khẩu đội 12,7ly, rà phá bom mìn, trinh sát, thông tin, cứu thương…

Tôi đã có một đêm trên bến phà máu lửa này để nhớ đời. Mùa hè 1967, nóng như rang, những chuyến xe ra trận dừng lại ở bờ Bắc chở đầy quân cụ và những đơn vị lính mới, những chuyến xe chở thương binh từ chiến trường ra dừng lại ở bờ Nam. Xe nào cũng quan trọng, người nào cũng hối hả, công văn nào cũng hỏa tốc.

Chỉ những công nhân phà là kiên nhẫn và lặng lẽ làm việc như những cái máy, chỉ những chuyến phà là cứ lừ lừ chạy nối hai bến giữa ánh pháo sáng khi mờ khi tỏ và đêm tối bị xé rách bởi những luồng đạn Roket như xé vải và bom nổ lộng óc dựng lên những cột nước quanh thân phà. Tiếng va chạm loảng xoảng của sắt thép, những bộ mặt méo xệch của công nhân phà gắng sức, những quân nhân không biết quân hàm chức vụ gì mà quát tháo như ông tướng, những lái xe nhăn nhó năn nỉ với đủ 101 lý do để được qua phà trước.

Tất cả diễn ra như trong một cơn ác mộng: Lì lợm, chậm rãi, đen đặc, đỏ quạch, từ tốn, tục tĩu, mùi sắt thép, mùi dầu mỡ cháy, mùi mồ hôi, mùi máu, tiếng rên rỉ, những chiếc băng ca chạy văng xê như hóa dại, những tử thi ướt mèm mới vớt lên từ dưới sông… Từ năm 1965 đến tháng 11-1968 và nửa cuối năm 1972, không quân và hải quân Mỹ đánh vào phà Gianh 2.191 trận lớn nhỏ. Bình quân một mét vuông mặt nước và bến phà chịu 1,1 tấn bom đạn.

Thiệt hại không hề nhỏ: 47 chiếc phà chìm xuống đáy sông. Biên chế của bến cứ hai người có một liệt sĩ (78 người hy sinh), 158 lượt người khác bị thương. Và nữa, hàng trăm nam nữ dân quân, thanh niên xung phong, dân công các xã ven bến phà, chiến sĩ và hành khách qua phà ngã xuống. Hàng nghìn tấn quân cụ chìm đáy sông.

Đêm 14-8-1968, phà từ bờ Bắc sang bờ Nam bị thủy lôi hút nổ, ba công nhân điều khiển phà cùng 13 chiến sĩ khác hy sinh hết. Trương Tùng Mậu, người Cảnh Dương chìm theo phà, 50 ngày sau mới vớt được xác. Thi thể bị cá rỉa hết chỉ còn xương. Nhiều người bơi vào bờ kiệt sức chết ngay chỗ nước cạn. Võ Xuân Khuể bị tung lên cao, khi rơi xuống gặp đợt sóng ào trở lại đỡ anh khỏi cú giáng chí tử vào mạn ca nô đang chìm dần.

Có lẽ nhờ vậy mà Khuể phát hiện ra kỹ chiến thuật phá thủy lôi rất “nguyên thủy”: Lái ca nô tốc độ cao phóng bạt mạng vào bãi thủy lôi. Thủy lôi nổ cũng không kịp với tốc độ ca nô, có tung lên cao rơi xuống cũng chưa chết. Cứ mỗi lần ra quân, cả tổ đứng trước mấy cái thúng úp, trùm chăn làm mộ giả, truy điệu sống…

Không quân Mỹ rình rập hàng ngày. Thủy thủ ta sáng tạo nhiều kiểu “ngụy trang” độc đáo. Ban ngày bến phà nằm im không hoạt động. Cách quãng, dưới lùm cây thò ra nửa kín nửa hở một góc phà hay một mũi ca nô. Thế là bom đạn trút xuống đánh chìm cái phà giả ấy.

Năm 1972, Mỹ dùng bom la mode 0-mode 4 đánh trúng rất nhiều phà thật. Ta dìm phà xuống sông, tối vớt lên, chạy. Nhưng, trục vớt phà rất mất thì giờ. Liền nảy sáng kiến “phà chìm lờ đờ”, chia phà thành ba khoang. Một khoang trống, xổ nước vào hai khoang kia. Thế là phà chìm lờ đờ, ban ngày khỏi mang đi giấu mà tối lại tháo nước nhanh hơn. Trong những năm chiến tranh, những cái “tàu ngầm” thương hiệu Việt này đã nối mạch máu giao thông Bắc-Nam, bảo đảm cho cuộc chiến thắng lợi.

Sau bảy lăm, đất nước yên hàn nhưng cái nạn giao thông đi lại khó khăn thì vẫn đeo đẳng. Nhớ lại là kinh, khi mô nhớ lại là kinh! là hồi ức ám ảnh một thời. Mua được cái vé xe đi trăm cây số phải qua ba bảy cửa, xếp hàng cả ngày.

Ngồi được lên xe cũng đâu đã được yên, tắc đường, tắc phà, chờ một hai ngày là chuyện thường ngày…ở bến phà. Tôi làm báo tỉnh, đã nhiều lần chứng kiến cảnh hàng nghìn hành khách tắc lại ở hai đầu bến phà Gianh và phà Quán Hàu. Giá mỳ tôm đội lên hàng chục lần. Là chưa kể đến những hệ lụy từ việc hàng nghìn người dồn lại trên quãng đường ngắn mà hai bên ngập nước. Hành khách bức bối lôi từ bến trưởng, giám đốc, cục vụ viện, đến Quốc hội mà kêu than. Đã xuất hiện một biến thể của câu ca dao: “Thương anh em cũng muốn ra/ Sợ đường Hồng Thủy sợ phà Sông Gianh”.

Ngày 6-8-1991, Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng cầu qua sông Gianh do Tổng công ty xây dựng cầu Thăng Long thực hiện. Trong nghĩa bóng, đây là một quyết định mang tính lịch sử- văn hóa: Hơn chín trăm năm trước, một người con của Thăng Long ( Lý Thường Kiệt) dẫn đầu đội quân Đại Việt nam chinh, thu hồi ba châu, đưa vượng khí Đại Việt bắt đầu tràn xuống phương nam, để sáu trăm năm sau, một người Quảng Bình gốc Thăng Long khác có bốn đời định cư ở đất Bố Chính (Nguyễn Hữu Cảnh) định vị hình hài đất nước tận cõi cực Nam.

Và, giờ đây, đội quân làm cầu Thăng Long tiến vào nối mạch linh khí đất nước: Cầu Gianh là chiếc cầu lớn cuối cùng trên quốc lộ 1. Về việc xây cầu Gianh cũng cần nhắc tên hai con người đều là con dân Hà Nội, hai vị lãnh đạo để lại nhiều ấn tượng với đơn vị: Ông Nguyễn Hải Thoại, vị tổng giám đốc đã lãnh đạo tổng công ty trở thành đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới và ông Trần Nhật Tỉnh phó tổng giám đốc kiêm chỉ huy trưởng công trường cầu Gianh.

Cầu Gianh! Chính cây cầu này với sự hoàn thiện cả về kỹ thuật và mỹ thuật khánh thành vào cuối năm 1998, đã là điểm cộng thứ 135, cùng với 134 cây cầu lớn nhỏ trước đó kể từ năm 1985, đã đưa tổng công ty lên danh hiệu cao cả: Anh hùng.

Bây giờ đây, bởi đường lượn tình cờ của quốc lộ 1, du khách trước khi qua cầu Gianh đều được quan sát tổng thể chiếc cầu màu trắng ngà, mảnh mai tạc vào nền xanh của dải Trường Sơn như một chiếc lược. Có thể ít người biết được rằng: Cầu Gianh được thi công với công nghệ hoàn toàn mới, lần đầu tiên được áp dụng vào nước ta cho đến lúc đó, do ngành xây dựng cầu của Cộng hòa Pháp chuyển giao kỹ thuật.

Đó là phương pháp dầm hộp bê tông cốt thép, đúc hẫng dự ứng lực, cân bằng đối xứng. Tạm hình dung, dầm hộp là một khối rỗng hình thang ngửa, mặt đáy của khối hộp làm mặt cầu rộng 12m34. Cầu dài 746,4 mét, 9 nhịp, trong đó có ba nhịp lớn khẩu độ 120 mét. Khởi công ngày 17-5-1995, Tổng công ty Thăng Long đã tìm ra những cách làm sáng tạo, tính toán căng chỉnh dự ứng lực và độ võng, đúc hẫng 40 lần cho nhịp dài 120 mét mà khối hợp long vẫn khớp với độ cong toàn cầu.

Cầu Gianh chứng minh trình độ chuyên môn của đội ngũ thợ cầu Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, mở ra hướng đi công nghệ cho những cây cầu lớn tiếp theo. Cầu Gianh còn là bông hoa hữu nghị giữa hai dân tộc Việt- Pháp, giữa Tổng công ty xây dựng Thăng Long và hãng xây dựng cầu bê tông đúc hẫng dự ứng lực Fressiret. Cũng không nhiều người biết rằng, với công nghệ này, trong ruột mỗi cây cầu là một “chung cư”, tổng chiều dài các phòng bằng chính chiều dài của cây cầu. Thật ấn tượng nếu ai đó được một lần “maratông” trong lòng cầu suốt bảy trăm mét. Ngày hợp long, một sự kiện phảng phất liêu trai khiến những ai chứng kiến thảy đều bàng hoàng.

Khi những khối bê tông đang khép mí những centimet cuối cùng, ngay trên khoảng trời sông Gianh hiện ra một đám mây ngũ sắc hình rồng, miệng mở, nhả xuống một luồng ánh sáng xuyên qua khe hở còn lại của vị trí hợp long, nhấp nháy long lanh trên mặt nước sông Gianh buổi chiều tà. Nhiếp ảnh gia Mạc Trọng Khánh, cán bộ tổng công ty bỗng trở nên nổi tiếng trong làng ảnh với khoảnh khắc bấm máy độc nhất vô nhị này, lưu lại cho đời một sự kiện hy hữu rất gần với tâm linh: “Mây tụ bốn ngàn năm lịch sử/ Tạo dáng rồng trên đỉnh hợp long” là câu thơ của nhà thơ Văn Lợi vịnh bức ảnh ghi lại khoảnh khắc không bao giờ phai mờ trong ký ức những người thợ cầu Thăng Long.

Sông Gianh- Phà Gianh- Cầu Gianh! Cuối thế kỷ 11, khi thu hồi vùng đất ba châu Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh cùng những con sông về cho Đại Việt, Thái úy Lý Thường Kiệt đâu có ngờ rằng, dải đất “hẹp như không thể hẹp hơn được nữa” này, theo tuyến những con sông chảy hướng tây-đông, đã ba lần làm ranh giới phân chia lãnh thổ theo tiết tấu thu hẹp dần: Sông Gianh 200 năm, Bến Hải 20 năm và sông Thạch Hãn 2 năm.

Và, phải tốn bao nhiêu xương máu và mồ hôi để nối mạch, hàn gắn, đưa văn minh Đại Việt thông suốt một dải sơn hà. Những dòng sông, những chuyến phà, những đội cầu đã đi vào lịch sử giữ nước và dựng nước hùng tráng như những trang cổ tích. 47 chiếc phà chìm xuống đáy sông, 178 chiến sĩ mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ.

Bến phà xưa, nay đã bụi mờ rêu phong. Nhưng dòng sông Gianh-Đại Linh giang ngày đêm vẫn chảy là vật chứng những thăng trầm của lịch sử vùng đất và chiếc cầu Gianh vĩnh cửu mà mềm mại như khúc cầu vồng bắc qua năm tháng mãi ghi dấu công cuộc lao động sáng tạo của những người đi suốt chiều dài đất nước qua những con sông: Những người thợ cầu vô danh.

Nguyễn Thế Tường (baoquangbinh.vn)