Quảng Bình sẽ xử hình sự nếu để du khách bị ngộ độc thực phẩm.
Trước tình trạng khách du lịch tới Quảng Bình tuột dốc do vụ cá chết hàng loạt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo, các chủ nhà hàng sẽ bị xử hình sự nếu để du khách bị ngộ độc thực phẩm.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, chiều 27/4, trước hệ lụy của việc cá biển chết khiến cho lượng khách bị tuột dốc nhanh chóng, để đưa ra giải pháp cứu vãn cho du lịch Quảng Bình, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có cuộc gặp gỡ với gần 100 chủ nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc gặp gỡ trên, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã cảnh báo: “Uỷ ban tỉnh sẽ xử lý nghiêm các hành vi làm mất an toàn thực phẩm trong thời gian này. Nếu chủ nhà hàng, khách sạn và cơ sở du lịch nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự”.
Đến thời điểm này, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn ven biển ở TP Đồng Hới cho biết, đã có 30% các đoàn khách đề nghị huỷ tour đã đặt trước, nhiều đoàn lùi thời gian đến Quảng Bình sang tháng 7, 8 cho qua đợt cá chết này.
Nhiều nhà hàng, khách sạn cố gắng đưa ra thực đơn mới không có hải sản khai thác ven bờ và bảo đảm chất lượng nhưng vẫn không thu hút được khách, thậm chí số lượng đoàn khách huỷ tour ngày càng tăng…
Lượng du khách giảm đáng kể, các chủ nhà hàng, khách sạn quan tâm nhất đến vấn đề chất lượng của nước biển. Ông Nguyễn Ngọc Niên – chủ khách sạn Anh Linh đề nghị: “Các cấp các ngành phải cho biết là nước biển bị ô nhiễm như thế nào, các chỉ số đo cụ thể ra sao, có tắm được không?
Còn theo bà Nguyễn Thị Mai, chủ khách sạn Ban Mai nói: “Nếu biển sạch thì cho tắm còn không thì cấm luôn cho an toàn”.
Kết luận tại cuộc gặp gỡ, ông Nguyễn Hữu Hoài cho rằng đây là thời kỳ khó khăn nhất của du lịch Quảng Bình, vì vốn hằng năm lượng du khách đến tỉnh để nghỉ dưỡng, tắm biển và thưởng thức hải sản của địa phương là rất lớn, nay lại giảm sút đáng kể. Mặc dù hiện nay các cơ sở dịch vụ du lịch đã cam kết không sử dụng hải sản bẩn, nhưng phải luôn tuân thủ.
Theo ông Hoài, các cơ sở dịch vụ ăn uống, tuyệt đối không được sử dụng hải sản khai thác ven bờ và hải sản không rõ nguồn gốc. Với các cơ quan nhà nước, phải kiểm soát chặt và không cho vận chuyển hàng hải sản khai thác ven bờ, không cho tàu thuyền đánh bắt hải sản ven bờ nữa.
Du lịch Quảng Bình bị tuột dốc do cá chết. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Trước đó, Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhận được tin có nhiều tàu cá, thuyền nan của ngư dân Hà Tĩnh vào vùng biển các xã Quảng Phú, Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) để đánh bắt hoặc thu gom các loại cá chết hoặc trong tình trạng lờ đờ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Bộ đội biên phòng nhanh chóng ngăn chặn tình trạng trên.
Theo đó, Hải đội 2 biên phòng phối hợp với Đồn biên phòng Cảng Gianh đã vào cuộc, bắt quả tang 7 thuyền đang gom cá các loại.
Những người đi trên các thuyền này đều có hộ khẩu thường trú tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Biên phòng Quảng Bình đã cảnh cáo số ngư dân, thu giữ số cá trên các thuyền để tiêu huỷ theo quy định.
Ngoài ra, Biên phòng Quảng Bình còn tuyên truyền, vận động để họ hiểu việc thu gom, tiêu thụ cá chết có thể ảnh hưởng đến người sử dụng. Ngư dân Hà Tĩnh đi trên các thuyền thu gom cá hứa sẽ không tái phạm.
Trước đó, ngày 6/4, ngư dân địa phương phát hiện cá chết tại vùng biển một số xã thuộc Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bốn ngày sau, hiện tượng tiếp diễn tại vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) kết luận cá chết ở Hà Tĩnh do “môi trường nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc trong môi trường”.
Những ngày sau đó, liên tiếp các vùng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Quang Phú và Bảo Ninh (TP Đồng Hới), xã Hải Ninh ghi nhận tình trạng cá chết đồng loạt dạt vào bờ biển.
19h hôm nay, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tổ chức họp báo cung cấp thông tin rõ về vụ cá chết ở miền Trung.
Linhhungtourist (Tổng hợp)
(Nguồn: Tuổi Trẻ, Tri Thức Trực Tuyến)
Bình luận bài viết