Quảng Bình: Địa đạo Văn La, giá trị lịch sử và tiềm năng du lịch
Địa đạo Văn La, thôn Văn La, xã Lương Ninh (Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là địa đạo đầu tiên và duy nhất ở tỉnh ta, được hình thành trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Địa đạo là minh chứng rõ nét cho cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân thôn Văn La, có giá trị lịch sử to lớn và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005. Trong tương lai, nếu được trùng tu lại thì đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến Quảng Bình.
Trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã phát triển nghệ thuật chiến tranh lên một tầm cao mới. Nếu ở TP. Hồ Chí Minh có địa đạo Củ Chi, ở Quảng Trị có địa đạo Vịnh Mốc là những nơi khiến cho kẻ thù bao phen khiếp sợ thì ở Quảng Bình có địa đạo Văn La, nơi trú ẩn an toàn cho quân và dân thôn Văn La trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Nơi đây đã được ghi vào lịch sử như một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược trên quê hương Quảng Bình.
Năm 1966, chiến tranh ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ rải bom liên tục, các hầm trú ẩn ở nhà không còn đủ an toàn với những quả bom có sức công phá lớn, có ngày thôn Văn La mất đi hàng chục người do bom thả làm sập hầm, người dân đi làm đồng không có chỗ tránh bom cũng bị thiệt mạng rất nhiều.
Sau trận rải bom vào làng Văn La của đế quốc Mỹ đêm 29-6-1966, hàng chục nhà bị cháy, hàng trăm người thương vong. Trước tình hình thực tế đó, Đảng ủy xã Lương Ninh đã họp bàn tìm phương án tối ưu để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đào địa đạo đi sâu vào lòng đất là phương án được chọn.
Vị trí được chọn đào địa đạo là một ngọn đồi cao của thôn, trên đồi không có cây to mà nhân dân chỉ trồng hoa màu tăng gia sản xuất, tránh sự chú ý của máy bay địch. Trước mặt địa đạo là đồng ruộng nên nhân dân trong khi lao động vẫn có thể kịp thời tránh bom. Địa đạo được thiết kế theo hình chữ L với 3 cửa ra vào nhằm đề phòng trúng bom làm sập địa đạo.
Cửa vào được bố trí ở chân lòi Hoàn Vũ, nơi có cây cối um tùm xanh tốt, có thể che mắt địch và cũng gần với ruộng đồng để người dân đang sản xuất có thể chạy nhanh vào tránh trú an toàn. Cửa thứ 2 cách cửa vào 50m trên đỉnh đồi cao, cửa thứ 3 cách cửa thứ hai 100m, cũng được đào sâu xuống.
Khi địa đạo mới đào được khoảng 10m thì ban đêm đã có người sơ tán tới ngủ, khi hoàn thành, sức chứa của địa đạo lên đến 300 người. Trong suốt thời kỳ chiến tranh ác liệt, địa đạo đã phát huy được tác dụng, giảm thiểu đáng kể số người thương vong do bom đạn. Ngoài nhân dân trong thôn, bộ đội và lực lượng bảo vệ bến phà Quán Hàu bị thương khi cần thiết cũng được đưa vào đây ẩn nấp…
Cùng với địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc, địa đạo Văn La là bằng chứng cho nghệ thuật chiến tranh nhân dân, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, biểu hiện thực tế của sự đoàn kết, lòng dũng cảm, tính kiên trì, dẻo dai của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Theo ông Lê Thế Triễn, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh, sau chiến tranh kết thúc, địa đạo Văn La không được sử dụng nữa và theo sự phát triển của xã hội, di tích đã có một vài thay đổi, cửa vào địa đạo vẫn được giữ nguyên trạng, còn cửa thứ 2 và 3 đã được lấp lại phục vụ cuộc sống của người dân.
Sau khi được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, địa đạo Văn La được đầu tư xây dựng các hạng mục như dựng bia địa đạo, làm đường dẫn vào và xây dựng cống thoát nước.
Hiện, địa đạo chỉ vào sâu được khoảng 15m, trong lòng địa đạo có vài chỗ bị sập nhưng người dân nơi đây vẫn bảo quản tốt. Hàng năm, chính quyền địa phương đều có kế hoạch làm vệ sinh thường xuyên, dựng biển chỉ đường vào di tích, tuyên truyền cho thế hệ trẻ cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị của địa đạo.
Ông Lê Trọng Duận, thôn Văn La (người nghiên cứu và viết lịch sử về địa đạo) cho biết: Địa đạo Văn La hiện vẫn còn nhưng không còn nguyên vẹn, chính quyền và người dân nơi đây cũng không muốn trùng tu lại nguyên trạng ban đầu vì cửa thứ 2 và cửa thứ 3 rất khó khôi phục.
Để phát huy tiềm năng du lịch của địa đạo, rất cần nguồn kinh phí để tôn tạo lại địa đạo, như: khơi thông rãnh để thoát nước; cửa vào địa đạo có thể bê tông hóa để chống sập; vét hết đất bùn cho đến nền đất cũ, thắp sáng điện để du khách có thể vào xem được bên trong lòng đất… Nếu làm được như vậy thì đây sẽ là điểm du lịch đầy tiềm năng, thu hút du khách”.
Nguồn: Báo Quảng Bình
Bình luận bài viết