Phát triển du lịch biển – đảo xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Bình
Khai thác tiềm năng du lịch biển – đảo theo hướng bền vững và đa dạng các loại hình du lịch là một trong những việc làm cần thiết để đưa du lịch Quảng Bình phát triển một cách toàn diện, tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có.
Quảng Bình có đường bờ biển dài 116.04 km với năm cửa sông, năm hòn đảo, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền. Dọc bờ biển có 9 bãi tắm. Trong đó, biển Nhật Lệ, Quang Phú và Bảo Ninh nằm ngay trung tâm thành phố Đồng Hới, được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, biển Nhật Lệ được xứng danh là một trong 10 thắng cảnh du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam.
Nhận biết tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch biển – đảo, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như sân bay, bến cảng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch, gắn với việc ban hành các cơ chế chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch. Vì vậy, trong năm 2015, Quảng Bình đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư tên tuổi như tập đoàn Vingroup, tập đoàn Sun Group, tập đoạn FLC với các dự án trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng giải trí cao cấp, quần thể sân golf hiện đại… có vốn đầu tư vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng. Công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho các khu vực bãi tắm cũng được đặc biệt quan tâm. Thành lập Ban quản lý các bãi tắm biển nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên du lịch biển, đảm bảo công tác an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Nhờ đó, trong những năm vừa qua, lượng khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại tỉnh tăng mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, tài nguyên du lịch biển đảo ở Quảng Bình tuy “giàu có” nhưng chưa được khai thác tốt, vẫn đang ở dạng tiềm năng là chủ yếu. Tốc độ phát triển các loại hình du lịch biển còn khá chậm nên dấu ấn đối với du khách còn khá mờ nhạt. Để phát triển loại hình du lịch đầy tiềm năng này, chúng ta cần phải tập trung vào những vấn đề dưới đây. Từ đó có những tháo gỡ đúng hướng và kịp thời.Đường bờ biển đẹp và chạy dài ngay ở trung tâm thành phố, đó là một lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Tuy nhiên trên thực tế thì khu vực này vẫn chưa được quy hoạch một cách bài bản, đầu tư còn thưa thớt và tự phát, số lượng cơ sở lưu trú còn hạn chế. Quảng Bình đang khai thác tài nguyên biển theo kiểu “tranh thủ” chứ chưa có một chiến lược và sự đầu tư bài bản nào để biến những lợi thế sẵn có thành những thế mạnh. Theo số liệu thống kê, Quảng Bình mới chỉ có khoảng 270 cơ sở lưu trú với tổng số phòng khoảng hơn 4000. Trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao. Sự thiếu hụt trầm trọng các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên đã hạn chế việc phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh. Trong khi đó, theo dự báo, đến năm 2020 Quảng Bình sẽ đón khoảng 5,5 triệu lượt khách du lịch/năm, Để đáp ứng được nhu cầu này, Quảng Bình dự kiến cần nâng số lượng phòng lưu trú lên 7500 đến 8000 phòng vào năm 2020, tăng khoảng 2 lần so với mức hiện tại. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Quảng Bình cần có những những chính sách tốt hơn nữa để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Đều này vừa giúp đảm bảo đủ số lượng phòng lưu trú trong xu thế du lịch ngày càng phát triển, vừa là cơ hội tốt để mở rộng thành phố ra phía đường bờ biển, phát triển cơ sở hạ tầng, biến biển trở thành điểm nhấn và là trung tâm du lịch của thành phố Đồng Hới.
Hạn chế lớn nhất của du lịch Quảng Bình hiện nay là dịch vụ thiếu và yếu. Đã làm du lịch thì nhất thiết phải có những sản phẩm dịch vụ phụ trợ như vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực…để nhằm giữ chân du khách, tăng mức chi tiêu du lịch. Quảng Bình hiện tại đang thiếu hẳn các trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí. Số lượng nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách còn ít, thay vào đó là các quầy quán vỉa hè mọc lên một cách tự phát. Đó là một trong những nguyên nhân lớn khiến hệ số lưu trú vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 1.1 ngày/ 1 lượt khách ( thống kê 6 tháng đầu năm 2015). Để xây dựng thương hiệu du lịch biển, Quảng Bình cần phải có đủ những dịch vụ bổ trợ cơ bản, hơn nữa cần có những sản phẩm đăc trưng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này đòi hỏi tỉnh cần có chính sách ưu tiên về thuế, chính sách đầu tư, chính sách thị trường, tổ chức quản lý… để phát triển những sản phẩm chất lượng cao với những đặc thù riêng phù hợp với nhu cầu của khách. Làm tốt được những công tác này, thành phố Đồng Hới mới tạo nhiều sức hút đối với du khách, từ đó việc liên kết khám phá giữa di sản TNTG – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng với du lịch biển để giữ chân khách du lịch mới trở nên dễ dàng hơn.
Nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch biển là điều tiên quyết cần phải làm. Hiện tại, khu nghỉ dưỡng cao cấp Sun Spa Resort Mỹ Cảnh – Bảo Ninh đang triển khai nhiều hoạt động thể thao biển phục vụ du khách, một số các công ty lữ hành đang thực hiện các chương trình trượt cát và khám phá biển Nhật Lệ về đêm: dã ngoạn phong cảnh biển; câu cá, mực; thưởng thức đặc sản miền biển ngay trên thuyền… Tuy nhiên nhìn chung hoạt động còn chưa được đẩy mạnh và thiếu đồng bộ trong tổng thể chung. Cần phải nhận thức rõ, phát triển sản phẩm du lịch biển – đảo không có nghĩa là chỉ tập trung vào các dịch vụ vui chơi trên biển, đối với một vùng đất mà du lịch chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố thời tiết như Quảng Bình thì nhất thiết cần kết hợp phát triển thêm các loại hình du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, du lịch gắn với các hoạt động thể thao biển, du lịch văn hóa và du lịch công vụ…. liên kết các dịch vụ đó tạo thành sản phẩm trọn gói mới, làm giảm bớt tính thời vụ và tạo phát triển bền vững.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Vì vậy, nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng cần phải được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng để theo kịp với xu thế phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 300 doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch. Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp (không tính khu vực nhà nước và các cơ sở kinh doanh ăn uống chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch) khoảng 3500 người. Có thể thấy rằng, số lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu để triển khai các hoạt động du lịch nói chung và du lịch gắn với biển đảo nói riêng. Thêm vào đó, cán bộ quản trị kinh doanh du lịch chưa được đào tạo chuyên sâu. Đội ngũ nhân viên du lịch theo kiểu “ gia đình” là chủ yếu nên thiếu tính chuyên nghiệp và kỹ năng nghề chưa thuần thục. Do tính mùa vụ trong du lịch biển khá cao nên phần lớn ở mùa thấp điểm, rất nhiều lao động ở các doanh nghiệp nhỏ chuyển sang những ngành nghề khác, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng lao động về lâu dài. Nhìn chung, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, ý thức thái độ làm việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quảng bá và chế độ khuyến khích đãi ngộ…. có sự chênh lệch khá rõ nét. Tóm lại, phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình nói chung và du lịch biển nói riêng, trước mắt cũng như lâu dài là việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa số lượng, chất lượng và phải xuất phát từ nhu cầu phát triển du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch bên cạnh chiến lược về đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, chiến lược phát triển thị trường… Kiện toàn bộ máy quản lý du lịch nhằm đảm bảo cho công tác tổ chức và chỉ đạo, thu hút nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và quản lý. Đồng thời, chuẩn hóa nguồn lao động hiện có, chú trọng việc đào tạo mới, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ về kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ cho người lao động, nâng cao nhận thức của cư dân vùng ven biển và những cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Trong những năm trở lại đây, việc giữ gìn an ninh, vệ sinh môi trường biển và quy hoạch các khu vực tắm an toàn ở các bãi biển đã được chú trọng. Tuy nhiên, đặc điểm đường bờ biển dài và dàn trải nên việc triển khai các công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định. Vấn nạn tăng giá phòng vào mùa cao điểm vẫn diễn ra phổ biến. Vào những ngày cao điểm như 30/4, 1/5…, việc các khách sạn vừa và nhỏ tăng giá hay các cá nhân “ôm phòng” để bán lại với giá cao hơn từ 100% – 200% đã gây nên tình trạng lộn xộn và tâm lý bất bình cho du khách. Vì vậy, để phát triển loại hình du lịch biển một cách bài bản, vấn đề vệ sinh, an toàn ở các bãi tắm cần được đẩy mạnh. Giá cả dịch vụ nói chung cần được niêm yết. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, quản lý nhà nước đối với kinh doanh du lịch ; nâng cao vai trò của hiệp hội và các câu lạc bộ ngành nghề du lịch trên địa bàn tỉnh thì điều tiên quyết là phải làm sao để người dân hiểu chính du lịch mang lại sinh kế lâu dài cho họ. Lúc đó, hoạt động du lịch mới thực sự có tính kết nối và phát triển bền vững hơn.
Theo thống kê 7 tháng đầu năm 2015, khách du lịch đến Quảng Bình đạt gần 2 triệu lượt, tăng 3.2% so với cùng kỳ 2014, tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 2205 tỷ đồng, tăng 3.46% so với cùng kỳ. Kết quả của việc tăng trưởng đó, có phần đóng góp quan trọng của các hoạt xúc tiến, quảng bá từ các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến quảng bá còn bộc lộ khá nhiều bất cập, đặt biệt về hiệu quả tài chính và hiệu quả truyền thông. Đa phần các hoạt động xúc tiến ở địa phương đều là những nổ lực phục vụ cho một sự kiện nhất thời, thường được triển khai khi có được một nguồn ngân sách ngắn hạn, thiếu một kế hoạch đủ dài để mang lại hiệu quả. Từ đó dẫn đến hiện tượng tất yếu là các hoạt động này bị chi phối nhiều bởi yếu tố cảm quan của người quảng bá hơn là nhu cầu nhận thông tin của khách du lịch. Hiện tại, Quảng Bình đang ưu tiên tập trung quảng bá cho hệ thống hang động VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, du lịch biển vẫn chưa có cơ hội và điều kiện để quảng bá một cách bài bản. Các doanh nghiệp của Quảng Bình đa phần chưa thấy được lợi ích từ việc quảng bá, do đó sự liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong hoạt động này còn yếu, mối liên kết quảng bá giữa các địa phương cùng làm du lịch tuy đã được mở ra, nhưng nhìn chung việc triển khai hoạt động khá mờ nhạt, chồng chéo về nội dung và không phối hợp nhau về thời điểm…. Xét cho cùng, việc thiếu ngân sách và thiếu lực lượng cán bộ có năng lực là nguyên nhân cơ bản cho những tồn tại trên. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến quảng bá, chúng ta cần vạch ra một chiến lược cụ thể và dài hạn. Ngoài nguồn kinh phí được cấp, cần xã hội hóa, tạo sự liên kết, nâng cao nhận thức và huy động nguồn ngân sách từ doanh nghiệp. Tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo để có điều kiện tuyên truyền tiếp thị những sản phẩm đặc sắc vùng ven biển, gắn việc phát triển du lịch biển đảo với việc bảo đảm an ninh quốc phòng. Việc nghiên cứu và biên soạn ấn phẩm có chất lượng về du lịch biển cùng những thông tin hữu ích chính thống cũng là một việc làm thiết thực. Đặc biệt, cần tăng cường quảng bá và giới thiệu tiềm năng du lịch thông qua việc sử dụng tối đa các biện pháp đa phương tiện, duy trì mối quan hệ tốt với các địa phương cũng như các đối tác du lịch, đó chính là một trong những cơ sở thu hút sự chú ý của các nhà tổ chức sự kiện, là lực hút các hoạt động lớn về với thành phố, là cơ hội để phát triển loại hình du lịch MICE, loại hình mang lại những giá trị cao không chỉ trong kinh doanh du lịch mà còn mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận và phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều lĩnh vực.
Hiếm có địa phương nào có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như Quảng Bình. Ngoài lợi thế về phát triển hang động, cần phát triển tối đa các tiềm năng du lịch biển để tạo sự phát triển du lịch một cách toàn diện, đưa Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á về du lịch khám phá./.
Nguồn Báo Mới
Bình luận bài viết