Người phu trầm trở thành “vua hang động” vì tò mò
Cho đến nay, tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), ngoài động Phong Nha – Tiên Sơn trở thành điểm đến quen thuộc của du khách, thì nhiều hang động như hang Sơn Đoòng, hang Én, động Thiên Đường, hang Dơi… đã được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết, người có công lao quan trọng trong việc khám phá ra những hang động nói trên lại chính là một phu trầm…
Ám ảnh bởi những câu chuyện kỳ bí
Anh chính là Hồ Khanh, người thường được ví von là “vua hang động”, ở vùng đất còn tiềm ẩn rất nhiều sự “bí ẩn bất tận”: Vương quốc hang động Phong Nha – Kẻ Bàng.
Vương quốc hang động Phong Nha – Kẻ Bàng (PNKB) có tổng diện tích là 343.300ha, trong đó vùng lõi chiếm đến 123.300ha. Với hệ thống hang động độc nhất vô nhị, PNKB ẩn chứa nhiều cảnh quan kỳ bí, các hang động đẹp lộng lẫy như lâu đài nằm trong lòng những ngọn núi đá vôi. Cả cuộc đời gắn bó với những ngọn núi cao và những cây cổ thụ của rừng già, anh Hồ Khanh (trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) như một nhà thám hiểm thực thụ.
Trở lại câu chuyện cách đây mấy mươi năm về trước, khi ấy, vùng đất Sơn Trạch còn nghèo nàn xác xơ, người dân không có nghề nghiệp ổn định, trai tráng cứ lớn lên là kéo nhau vào rừng kiếm ăn. Ở những cuộc đi rừng kéo dài cả tháng ấy, có người bất chấp tính mạng hành nghề dò tìm phế liệu chiến tranh, có người băng rừng xuyên ngày đêm tìm trầm, săn bắn động vật hoang dã… Và Hồ Khanh cũng không ngoại lệ.
Cha mất khi Khanh mới chập chững đến trường làng, nhà nghèo nên đến lớp 7 Khanh phải nghỉ học, trở thành thợ sơn tràng tìm trầm trẻ nhất ở vùng núi PNKB. Mỗi lần cùng cánh trai làng cơm đùm gạo nắm vào rừng tìm trầm là mỗi lần Khanh tràn trề hy vọng. Nhiều người trong làng đi trầm về có tiền xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng cho gia đình, còn Khanh mười lần đi thì chín lần trở về tay trắng. Nguyên do cũng bởi tại tất cả các cuộc đi rừng ấy, nhiều hang động ở khu vực PNKB cuốn hút anh với những suy nghĩ mông lung, mang đầy tính kỳ bí, huyễn hoặc.
Sau một ngày đi rừng vất vả, nhóm người đi cùng Khanh thường chọn những cửa hang nào đó để nghỉ ngơi, lấy lại sức cho chuyến đi gian nan ngày hôm sau. Mỗi lần như vậy, khi đám bạn của Khanh còn chìm trong giấc ngủ, thì Khanh lại không tài nào chợp mắt được. Ám ảnh trong đầu người sơn tràng trẻ tuổi ấy là những câu hỏi đang cần tìm lời giải đáp như: Hang này đến từ đâu? có sâu không?, trong hang có thú dữ ẩn nấp không…?
Ở vùng núi đá vôi hùng vĩ Phong Nha- Kẻ Bàng khi ấy tồn tại vô số câu chuyện truyền miệng mang tính kỳ bí về những con rắn khổng lồ nằm cuộn tròn trong hang, rồi những con thuồng luồng hung dữ thậm chí có đười ươi sống cả ngàn năm tuổi… Chính từ những câu hỏi tự mình đặt ra, những câu chuyện của người làng truyền tai nhau đã nung nấu trong Hồ Khanh một ước muốn được khám phá những hang động ấy.
Được mệnh danh “Vua hang động”
Năm 1989, trong một lần đi tìm trầm, Hồ Khanh phát hiện một cái hang có cây cối mọc um tùm che chắn cửa hang. Lúc đầu sợ hãi, nhưng vì tò mò, Khanh quyết định đi vào hang để xem. Trong hang có thạch nhũ rất đẹp, dù trời đang mùa hè nhưng càng vào sâu Khanh càng thấy mát lạnh.
Đi sâu vào khoảng 30m, Khanh kinh ngạc khi thấy cá trong những hồ nhỏ của hang nhiều con lớn bằng bắp chân. Chui ra khỏi hang, Khanh đặt tên hang này là hang Vực Cá Thau, nghĩa là cá nhiều như trong thau. Sự kỳ thú của hang động cuốn hút Hồ Khanh bắt đầu từ đây… Vùng Đoòng có hai xứ là Thượng Đoòng và Hạ Đoòng. Thượng Đoòng là vùng toàn rừng núi đất, còn Hạ Đoòng là vùng toàn núi đá vôi. Các hang động chủ yếu nằm ở vùng Hạ Đoòng, còn trầm lại chủ yếu có ở Thượng Đoòng. Người làng đi tìm trầm thường tìm đến Thượng Đoòng, còn Hồ Khanh đi tìm trầm nhưng lại đi về phía Hạ Đoòng, bởi ở đó có các hang động đang quyến rũ anh. Chính việc lựa chọn cả tìm trầm cả khám phá hang động như vậy, mà những chuyến đi rừng của anh thường trở về tay trắng.
Theo Hồ Khanh, trong gần 10 năm liền, anh đã tìm ra tất cả 21 hang động ở khu vực vườn quốc gia PNKB. Thời điểm này, việc tìm kiếm, thám hiểm hang động của Hồ Khanh hầu như không có một ai biết đến ngoài bản thân anh như lời chia sẻ: “Chỉ để thoả mãn trí tò mò thôi”, Hồ Khanh nói.
Với tất cả hang động tìm được, anh đều đặt cho nó một cái tên. Lẽ dĩ nhiên, những cái tên đó thường gắn liền với đặc điểm đặc trưng của hang mà anh quan sát được, hay để dễ nhớ và có ý nghĩa hơn, anh lấy tên người thân, bạn bè đặt tên cho hang. Như với hang mà bên trong có hồ nước mát lành, anh đặt tên là Hồ Trên Núi, hang Thanh Nghĩa mang tên vợ anh, một hang tên Khanh, hang Hùng là tên của một người bạn thân. Hang Thái Hoà anh tình cờ phát hiện trong một lần lạc lối phải đi loanh quanh trong rừng. Anh đã lấy tên con để đặt tên cho hang làm kỷ niệm để nhớ mãi lần lạc rừng đó. “Trong đời, có lẽ niềm tự hào lớn nhất của tôi là đã phát hiện ra 2 hang động thuộc hàng tuyệt đẹp, kỳ vĩ nhất ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đó là động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng”, Hồ Khanh tâm sự.
14 năm qua kể từ ngày được phát hiện, động Thiên Đường luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo, là tuyệt phẩm của tạo hóa, đúng như tên gọi của nó. Không những vậy, nhiều người đã không tiếc lời, tìm nhiều tên gọi mỹ miều để đặt tên hang động này như “Thiên Đường nơi hạ giới”, “Chốn địa đàng nơi trần gian”, “Thiên cung trong lòng đất”… Năm 2011, Thiên Đường đã xác lập hai kỷ lục ở nước ta là “Động khô dài có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất Việt Nam” và “Động có cầu gỗ dài nhất Việt Nam”. Mới đây, vào trung tuần tháng 7/2019, động Thiên Đường được Hội đồng Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Hang động có hệ thống thạch nhũ, măng đá độc đáo và tráng lệ nhất châu Á”.
Theo anh Hồ Khanh, động Thiên Đường được anh và nhiều người dân bản địa tìm thấy vào năm 2005. Ngoài các đặc trưng như các hang động khác tại Vườn Quốc gia PNKB, động Thiên Đường có hệ thống thạch nhũ rất độc đáo, tráng lệ. Hang lại có chiều dài, hiếm hang nào có được. Đây là một trong những hang động rất có tiềm năng, lợi thế để khai thác phát triển du lịch. Thông tin động Thiên Đường được phát hiện ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới chức, các nhà khoa học, các nhà thám hiểm và cộng đồng quốc tế. Chỉ một thời gian sau, Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Howard Limbert, đã tổ chức khám phá hang động và công bố những kết quả bước đầu hết sức bất ngờ.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề thám hiểm, ông Howard Limbert nhận định, đây có lẽ là hang động dài nhất châu Á và có vẻ đẹp hết sức độc đáo, ngoài sức tưởng tượng của con người. Đây là một kỳ quan thiên tạo, quà tặng của thiên nhiên dành cho loài người. Cũng vì lý do đó, các thành viên của đoàn thám hiểm quyết định gọi tên là: “Paradise cave” hay “Động Thiên Đường”…
Động Thiên Đường nằm ẩn mình sâu trong lòng Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha –Kẻ Bàng, thuộc địa hình các-xtơ cổ, có niên đại hình thành cách ngày nay khoảng 350 đến 400 triệu năm, cách trung tâm thành phố Đồng Hới chừng 70km về hướng Tây Bắc, cạnh nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, đường đi về rất thuận tiện. Động Thiên Đường có chiều dài 31,4km, với chiều cao từ sàn động đến trần động là 60m, chiều rộng dao động từ 30 đến 100m, có nơi rộng đến 150m, thuộc hệ thống hang sông (là dòng sông ngầm).
Tác giả: Ngô Huyền (Đời sống & Pháp luật)
Bình luận bài viết