Lịch sử Quảng Bình – Mỗi chúng ta đều rất tự hào và tri ân dòng Kiến Giang. “Sông lụa, sông thơ, dòng sữa mẹ…”, tất tất những gì trìu mến nhất ta dành cho Kiến Giang. Thời đi học tôi nhớ mãi câu thơ mở đầu của thầy môn địa lý về các dòng sông: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng; Tất cả trả lời, sinh bên một dòng sông; Chẳng phải sông Hồng, sông Mã, sông Chu hay Cửu Long uốn chín đầu rồng; Thì cũng phải dăm ba mái chèo quẩy mạnh…” Kiến Giang đã tắm gội cho lớp lớp con cái Lệ Thủy, để đi xa luôn nhớ về. Riêng tôi, đã nhiều lần ngược dòng tìm về ngọn nguồn con sông ấy, lần dở từng trang sử về nó để tri ân dòng sữa đã nuôi tôi.

Kiến Giang xưa có tên gọi là Bình Giang. Bình Giang là hợp lưu của 4 con rào chính có tên là Rào Nậy, Rào Con, Rào Sen và Rào Mỹ Sơn. Mỗi con có một dấu ấn riêng của nó mà chẳng con nào giống con nào.

Rào Nậy có ngọn nguồn từ dãy Trường Sơn, tận nơi xa biên giới Việt Lào có ngon núi tên gọi là Vít Thù Lù. Len lỏi giữa chốn đại ngàn, chảy dốc xuống theo hướng Tây sang Đông, qua bao ghềnh thác. Có những con thác nghe tên là gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm. Như Thác Tre. Mỗi bận giêng hai đói kém, dân 5 xã vùng giữa Liên, Xuân, Phong, An, Lộc chèo đò lên miền thượng mua sắn, mỗi lần qua Thác Tre là nỗi kinh hoàng. Đò chìm, có người đã bỏ mạng ở đó, củ sắn ngâm bẻ ra thâm nâu như máu đọng. Rào nậy chảy về xuôi đột nhiên gặp núi An Sinh chắn lại, xoáy thành vực thẳm gọi là Trốoc Vực. Trốoc Vực với vách đá dựng đứng, quanh năm gió quẩn thâm u với bao truyền thuyết, giai thoại kỳ bí. Người xưa nói rằng ở đó vực không có đáy. Thả một quả bưởi xuống, hôm sau thấy nổi lên ở tận Bàu Sen. Xưa dân làng Quy Hậu có dựng đền thờ Cao Biền ở đỉnh núi. Thuyền bè qua đó đều phải thắp hương khấn bái, nếu không thuyền chỉ chạy vòng quanh, bị hút chìm xuống xoáy vực. Lại có giai thoại kể rằng, xưa vua Hàm Nghi xuất bôn, khi nghe tin Kinh đô thất thủ đã bỏ bớt một số vàng xuống trốoc vực. Tất cả chỉ là truyền thuyết. Nhưng có điểm thực là “Ô châu cận lục” của Dương Văn An viết rằng “Vực ở ngả ba nguồn Thổ Rí, huyện Nhật Lệ. Trên thì mặt nước mở rộng, dưới thì sắc nước trong xanh. Trong thì suốt đáy, sâu thì vô cùng. Tương truyền dưới có thủy phủ, những khi mây mù, mưa ám, thuyền cá đi lại vẫn nghe có tiếng trống kèn. Hàng năm cứ đầu xuân đảo vũ, mở hội đua thuyền, liền được mưa ngay”. Vậy là, tập quán bơi đua của xứ Lệ đã có ít nhất là 500 năm rồi. Các cụ nói rằng, thượng tiêu xưa ở tận Trốc Vực, chớ không phải chỗ cồn nổi bây giờ. Mà bơi xưa là “3 vòng, 6 tao” cơ. Rào Nậy còn một bí ẩn nữa, cứ ai đi xa, ở vùng rừng thiêng, nước độc, bị ngã nước, ghẻ lở đầy thân, về quê tắm nước Rào Nậy ba lần là hết sạch. Đó là sự thật mà mãi sau này người Pháp mới tìm ra. Đó là nhờ nguồn nước giầu chất lưu huỳnh của nước khoáng Bang. Trong chiến tranh chống Mỹ, đoàn 559 đã lấy đây làm viện điều dưỡng cho bộ đội, có cho ngăn một đoạn suối nước nóng để tắm chữa bệnh. Chỗ ấy giờ vẫn còn.

Rào Con có ngọn nguồn từ vùng núi Ba Kiềng, Ba Núc của mạch núi chạy từ Trường sơn ra biển. Đến núi An Sinh, Rào Con hợp lưu với Rào Nậy, tạo nên thượng nguồn của Bình Giang. Rào con có điểm lạ thú vị là nắng đục, mưa trong. Nếu có dịp đứng trên mõm núi An Sinh mà quan sát, bạn có thể thấy mùa nam nắng cho đến trước tiết tiểu mãn, nước Rào Nậy chảy xuống trong xanh nhưng Rào Con đổ ra đục ngầu. Trước khi vào Trốoc Vực sông có hai màu cảm tưởng như hai dãi lụa vàng và xanh quấn cạnh nhau. May thay, nguồn Rào Con có lưu lượng nhỏ nên Bình Giang vẫn xanh.Rào Con, nghe thì khiêm tốn vậy nhưng dưới con mắt của Cao Biền nó là Bạch Hổ trong thế đất địa linh cho Âm trạch núi An Mã. Trong “Ô châu cận lục” phần ghi về ĐỊA LÝ có nhắc đến các huyệt đạo của xứ Tân Bình, Thuận Hóa. Trong đó có ghi Huyện Nha Nghi (tức Lệ Thủy) có 80 huyệt. An mã là một trong những chính huyệt. Ở đó có mộ chí của Hoàng Hối Khanh, bậc danh thần thời Trần, Mạc, Tri Phủ đầu tiên của Nha Nghi. Cạnh đó là mộ chí của Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng thời nhà Nguyễn, người có công mở đất Phương Nam. Và sau này là mộ chí của ông Ngô Đình Dinh, ông nội Ngô Đình Diệm.Ngôi mộ mà xung quanh nó còn phảng phất bao truyền thuyết huyền bí.

Rào Sen, phát nguồn từ Đầm Sen rộng hang trăm héc ta thuộc địa phận làng Thủy Liên. Đầm được kiến tạo tự nhiên do nhiều nguồn suối nhỏ chảy từ núi Trầm Kê. Mỗi mùa hạ về sen nở bát ngát, Đầm Sen tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Xưa đây là nguồn sống của làng Thủy Liên Nam. Bốn mùa cò, vạc, le le, tôm, cá. Cá Rào Sen nhiều và ngon nhất là chép. Cứ đến mùa mưa lũ, cá tràn bờ đi đẻ, cất rớ có khi được bốn, năm ký một mẻ. Và đặc biệt là hoa sen, hạt sen, ngó sen. Sen mênh mông, bát ngát như đồng sen Tháp Mười. Vào thời hợp tác hóa nông nghịêp. Huyện đã có chủ trương đắp bờ, vét hồ nuôi cá nhưng khi tát cạn thì dưới lòng hồ còn rất nhiều cây lớn chết đứng. Dấu hiệu của biến động kiến tạo địa chất đã chôn vùi một cánh rừng đại ngàn xuống đó. Đáng tiếc Đầm Sen không lộ ra cho chúng ta chiêm ngưỡng bởi nó khuất sau một dãy đồi thấp cạnh đường quốc lộ số 1, đối diện với Bàu Sen. Hơn nữa, bây giờ nó bé lại do con người khai hoang mở đất cày cấy. Cùng với đó, Rào Sen còn được bổ sung nguồn nước mát của Bàu Sen, một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú của Lệ Thủy. Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An miêu tả “Sắc nước như chàm, quanh năm vẫn đầy, mưa cũng không tràn, nắng cũng không cạn”. Bàu Sen thông với Đầm Sen qua một con suối nhỏ. Bàu Sen nằm ở làng Thủy Liêm Thượng, cạnh đường quốc lộ 1. Trên đường thiên lý Bắc Nam ai mà chẳng thấy. Xưa người ta ví Bàu Sen và Đầm sen là “Nhị Hồ” (Một thắng cảnh ở Hàng Châu, Trung Quốc).

 

ào Mỹ Sơn (còn gọi là Rào Mỹ Thổ hay sông Dương Xá) chảy qua các làng Thái Xá, Mỹ Thổ, Liêm Thiện. Còn có hói Chợ Mai chảy từ Phù Thiết về đến Dương xá thì nhập với Rào Sen. Hai nguồn Rào Sen với Mỹ Sơn hợp lưu thành hói Quy Hậu chảy ra Bình Giang. Hói Quy Hậu xưa gọi là sông Ngô Giang. Cuối dòng sông ấy có thành Ninh Viễn, có chùa Kính Thiên. Thành Ninh Viễn nằm ở trên đất làng Uẩn Áo. Chùa Kính Thiên ở gần Chợ Trạm, Mỹ Thủy đều là những di tích lịch sử lâu đời, có tiếng của xứ Lệ.

Sông Bình Giang, khi đã hội đủ dòng nước mát của 4 con rào đó, chảy về đến Mũi Viết, làng Tiểu Phúc Lộc (Thượng Phong bây giờ) sông chia làm hai. Dòng chính chảy gữa hai làng Hà Thanh và Xuân Hồi rồi xuôi ra biển qua làng Hòa Luật, làng Liêm Luật. Vào năm Khải Đại thứ 2 (1404) Hồ Hán Thương đã cho đào kênh Sen (Liên Cảng) nối sông Bình Giang vào Thuận Hóa làm đường thủy. Sông đào nối Bình Giang qua Bàu Sen, từ Bàu Sen nối đến Hạ Cờ vào chợ huyện Quảng Trị. Nhưng do khi đào đến Quán Bụt thì cát cứ đùn lên, không đào được, đành bỏ. Ở đó, thời Lê có cho dựng Miếu Bảo Đài, theo dân gian xứ lệ đọc ngược là “Bãi Đào”. Tương truyền rằng, vào đầu thế kỷ XVII, một trận cuồng phong dữ dội đã thổi cát lấp kín cửa sông. Bình Giang mất lối ra biển, đành đổi dòng, tràn qua rào Mỹ Phước, hói Sao Vàng để chảy về Hạc Hải, hợp lưu với Sông Long Đại, tạo nên Nhật Lệ.

Chi lưu thứ hai của Bình Giang chảy từ Mũi Viết về An Lạc. Trên đường trẩy hội về Hạc Hải nó còn nhận thêm dòng nước mát của 5 con hói được coi là “Ngũ long giao hòa” của thế địa Linh làng Đại Phúc Lộc. Đó là hói Xuân Lai, hói Kỳ Cùng, hói Cừa, hói Ngay và hói Phú Thọ. Tương truyền rằng, thời nhà Mạc, Mạc Đăng Dung đã cho khơi thông, mở rộng dòng này và đặt tên là Kiến Giang. Kiến Giang về đến An Lạc thì như không muốn chảy nữa. Sông hẹp lại, ngoặt về hướng Đông, gặp rào Mỹ Phước, Sao Vàng rồi mới chịu xuôi Hạc Hải. Hạc Hải xưa trăm dòng, ngàn lạch, sóng to, giá cả, thuyền bè đi lại dễ lạc lối, mắc cạn. Thời trước, quan bản địa phải cho cắm cọc gỗ đánh dấu dòng chính, đêm đêm cho thắp đèn để dẫn lối thuyền bè.

Có lẽ, Bình Giang bị mất tên là do cửa sông bị lấp, không còn cái cửa cho riêng nó nữa. Lối giao thương đó dần mất cùng lịch sử. Chỉ còn Kiến Giang trầm mặc, chảy ngược dòng ra Bắc, hội nhập cùng Long Đại, Lệ Kỳ ra cửa Nhật lệ để mang tiếng là sông “Chướng Khúc”. Nói vậy thôi, sông cũng có tình có nghĩa, khi chảy về An Lạc, trước khi giã biệt xứ Lệ nó còn cố ngoái đầu tạo nên “Khút Bầu Ngược”. Ở đó, sông hẹp và rất cạn, thuyền bè khi đến đó mùa nào cũng ngược gió dù cho từ Lệ Thủy ra hay Đồng Hới vào.
Sông còn có tình như vậy, hỏi người xa quê có nhớ không

Theo Bác Đặng Ngọc Tuân