Hò khoan – Báu vật của người dân xứ Lệ
Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, ra đời trong lao động sản xuất, là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa Quảng Bình và là một bộ phận cấu thành của dân ca miền Trung nói chung, dân ca Bình Trị Thiên nói riêng. Với người Lệ Thủy, hò khoan là “báu vật” của làng quê nên họ đã dày công gìn giữ, truyền tụng để những câu dân ca còn mãi với thời gian.
Lặng lẽ ươm tơ
Người Lệ Thủy không chỉ sử dụng hò khoan lúc vui mà cả những lúc buồn, mệt nhọc… người ta cũng hò. Những câu hò chứa đựng trong đó nhiều nỗi niềm tâm sự, nói về nhân tình thế thái, giao duyên… Nhưng bao trùm trong đó là tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, nhắc nhở con người sống với nhau thuận hòa, trọn tình vẹn nghĩa…
Lệ Thủy cũng là nơi có rất nhiều nghệ nhân dân gian. Họ không chỉ nắm giữ, truyền dạy những tinh hoa văn hóa của hò khoan mà còn tiếp lửa niềm đam mê hò khoan cho thế hệ trẻ. Người Lệ Thủy giữ hò khoan chủ yếu qua hình thức truyền miệng, cha mẹ truyền choKhông chỉ thể hiện các bài hò cổ, nhiều nghệ nhân còn sáng tác ra những bài mới dựa trên giai điệu cổ phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của quê hương. Người đảm nhận rất tốt nhiệm vụ này là nghệ nhân (NN) Võ Như May (Phong Thủy) và NN Nguyễn Xuân Phới (Hồng Thủy).
NN Võ Như May cho rằng: Hò khoan Lệ Thủy là “lời ăn tiếng nói” của người bản địa. Vì vậy, để có tác phẩm hay, người viết phải tìm hiểu rất kỹ về vùng đất, đời sống sinh hoạt của nhân dân, am hiểu các làn điệu để tác phẩm thể hiện rõ nét cả giọng nói, tập tục sinh hoạt của người dân quê. Ngoài viết lời, NN Võ Như May và NN Nguyễn Xuân Phới còn là nhạc công và đạo diễn cho các chương trình biểu diễn hò khoan của câu lạc bộ (CLB) “Yêu câu hò xứ Lệ” và nhiều CLB xã, trường học trên địa bàn huyện.
NN Dương Công Lợi, một trong những giọng nam khá nổi tiếng ở Lệ Thủy say sưa kể cho chúng tôi nghe về tình yêu của mình đối với hò khoan Lệ Thủy
Ông kể: Từ nhỏ, những câu hò khoan của mẹ đã thấm vào tuổi thơ ông để rồi lớn lên ông luôn mang theo các làn điệu hò khoan ra đồng, đến các công trình thủy lợi… Vì đam mê, nhiều lần, ông tạm gác lại chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” để tìm những người cùng tâm huyết và thả hồn vào những câu dân ca.
Ông luôn có mặt trong các hoạt động truyền dạy hò khoan, tham gia nhiều chương trình biểu diễn tại huyện, tỉnh. Ông cũng luôn nhắc nhở con cháu rằng, hãy giữ lấy hò khoan để những câu dân ca ngọt ngào, tha thiết, thấm đẫm hương đất, tình người xứ Lệ sống mãi với thời gian.
Vang mãi câu hò
Người Lệ Thủy đi đâu, làm gì cũng mang theo những câu dân ca của xứ sở mình. Vì lẽ đó mà nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập được CLB hò khoan Lệ Thủy, tiêu biểu là CLB hò khoan Lệ Thủy TP. Hồ Chí Minh.
Chị Hoàng Oanh Oanh, Phó Chủ nhiệm CLB hò khoan Lệ Thủy TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: CLB được thành lập vào năm 2019 với 14 thành viên. Điều đáng nói là tất cả các thành viên đều không hoạt động trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật mà đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như bác sỹ, kỹ sư, quân đội, doanh nghiệp…
Điểm chung giữa họ là yêu các giá trị của văn hóa dân gian (VHDG) và kết nối với nhau bằng làn điệu hò khoan Lệ Thủy. Có những người đã xa quê hàng chục năm nhưng vẫn giữ nguyên giọng quê mộc mạc và thể hiện rất tốt các mái hò, lời cổ.
Ngay từ buổi đầu thành lập, CLB đã kết nối với những nghệ nhân của 2 CLB lớn nhất ở huyện Lệ Thủy là CLB “Yêu câu hò xứ Lệ” và CLB “Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy” để được truyền dạy cách luyến láy, lấy hơi… và cập nhật những bài hò có lời mới, đồng thời học tập kinh nghiệm quản lý, sinh hoạt CLB.
Mỗi lần diễn xướng hò khoan, những người con Lệ Thủy xa quê đều cảm thấy tự hào về quê hương và đó cũng là cách để họ tôn vinh giá trị của VHDG và tri ân những bậc thầy đã dày công gìn giữ truyền dạy. con, bạn bè truyền cho nhau. Sau này, các nghệ nhân đã ghi chép lại những câu hò, làn điệu cổ xem đó là tài liệu để học tập, truyền dạy.
Tại thành phố mang tên Bác, hò khoan thường được biểu diễn trong các buổi liên hoan gặp mặt đầu xuân của hội đồng hương Lệ Thủy hoặc các sự kiện trọng đại khác. Các thành viên CLB còn biểu diễn hò khoan phục vụ đám cưới cho những đôi bạn trẻ người Lệ Thủy tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu… nhằm lan tỏa những nét đẹp văn hóa của quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mọi miền đất nước.
Lưu giữ, quảng bá hò khoan bằng công nghệ
Là một trong 2 CLB hò khoan lớn nhất của huyện Lệ Thủy, CLB “Yêu câu hò xứ Lệ” đã tạo được nhiều dấu ấn trong hoạt động biểu diễn, truyền dạy, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách bài bản trong nhiều hoạt động để gìn giữ, phát huy, quảng bá hò khoan một cách chuyên nghiệp.
NNƯT Đặng Thị Hồng Hới, chủ nhiệm CLB cho biết: CLB hiện có 20 thành viên nòng cốt. Đi đôi với việc xây dựng, thực hiện nhiều chương trình biểu diễn ấn tượng, CLB còn tạo điều kiện cho thành viên mua sắm flycam, máy ảnh, máy quay, phòng thu âm… để dựng các video clip. Nhờ vậy mà trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều CLB đàn, hát dân ca trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoạt động thì CLB “Yêu câu hò xứ Lệ” vẫn duy trì sinh hoạt qua hình thức kết nối nhóm zalo, mạng xã hội facebook và luyện tập tại nhà, xây dựng các video clip về hò khoan Lệ Thủy đăng tải trên tài khoản facebook của CLB, trong đó có một số bài được xây dựng theo hình thức karaoke.
Việc xây dựng các video clip không chỉ giúp cho CLB lưu giữ hò khoan mà còn là “giáo trình”, là nguồn tư liệu quý để các CLB hò khoan Lệ Thủy ở tỉnh, thành phố trong nước tham khảo, học tập.
Người tiên phong trong ứng dụng CNTT vào gìn giữ, phát huy, quảng bá hò khoan là nghệ nhân trẻ Phạm Bá Dương. Anh hiện là giáo viên Trường THCS Ngư Thủy Bắc. Ngoài việc thường xuyên truyền dạy dân ca cho các con và học sinh, anh còn tự học hỏi, khai thác các phần mềm tiện ích để xây dựng video clip, đưa hình ảnh quê hương, con người Lệ Thủy đến với bạn bè trong và ngoài nước. Theo anh, đó là cách mà người trẻ lưu giữ các giá trị của di sản văn hóa quê hương.
Trải qua thời gian cùng với những thăng trầm của lịch sử nhưng hò khoan vẫn được gìn giữ, phát huy trong cuộc sống hiện đại. Có được kết quả đó là nhờ các NN, những người “giữ ngọc” để các giá trị của văn hóa quê hương mãi được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Ông Dương Văn Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Lệ Thủy, người đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu hò khoan Lệ Thủy cho hay: Bảo tồn hò khoan là một trong những nhiệm vụ mà huyện Lệ Thủy rất quan tâm. Các CLB hò khoan của huyện vẫn thường xuyên sưu tầm bài cổ, soạn bài mới, tổ chức các nhóm nhỏ để tự luyện tập tại nhà hoặc ghi âm, xây dựng video clip… Nhờ những nỗ lực với nhiều cách làm trong bảo tồn hò khoan, nhất là hoạt động truyền dạy trong các trường học từ bậc mầm non trở lên nên dần dần hò khoan đã ngấm trong thế hệ trẻ. Nhiều em học sinh đã thể hiện rất tốt hò khoan Lệ Thủy, đặc biệt là các mái hò khó.
Theo Báo Quảng Bình
Bình luận bài viết