Đừng vội đi Sơn Đoòng Kỳ 6: Hang Gió – vẻ đẹp ảo diệu
Từ một lỗ gió, có thể nói là rất… tin hin nếu so với những cửa hang kỳ vĩ khác ở Quảng Bình, nhưng một khi đã lọt vào lỗ đen ấy, cảnh sắc trong lòng hang dễ khiến người ta mê mẩn đến quên cả không gian, thời gian.
Kỳ 5: Lên hang Tiên để lạc miền tiên cảnh
Đấy chính là hang Gió. Khi phát hiện ra cửa hang này ở 2015, lúc ấy hang chưa có tên, chỉ biết là đứng ngay cửa hang – bé xíu với chiều ngang độ khoảng hơn 1m – cảm giác như có một cánh quạt khổng lồ thổi gió lồng lộng từ trong ra mát rượi cả ngày đêm không ngớt. Bởi thế người ta lấy luôn gió đặt tên cho hang. Sau khi hang được chính thức thám hiểm và công bố địa mạo địa tầng (2105), rồi đưa vào khai thác du lịch mạo hiểm, giới lữ hành hay gọi là hang Tiên 2 (bởi chỉ cách hang Tiên 1 khoảng 30 phút đường rừng). Riêng tôi, vẫn thích gọi nơi ấy là hang Gió.
Để đến được hang Gió, phải đi xuyên qua lòng hang Tiên (đã miêu tả ở bài viết trước) đến một cửa ra nằm nơi lưng chừng núi, từ đó tiếp tục băng rừng, đi tiếp lên dốc núi khác kế cận là tiếp cận được cửa hang Gió. Cái đã đời của hành trình lên thăm hang Gió, ấy là cung đường rừng còn đậm dấu ấn hoang sơ, đường mòn chưa rõ lối.
Cũng bởi khu vực hang Gió nằm rất xa và tách biệt với những tuyến đường rừng thông thường người Tân Hóa – Minh Hóa thường sử dụng, nhiều đoạn đường rừng dường như mất lối khi bị các phiến đá khổng lồ chắn ngang, chỉ chừa lại lỗ nhỏ xíu đủ vừa vặn một người chui lọt, cộng thêm việc phát hiện khá muộn màng sau này, thế nên độ nguyên sơ của cả vùng cảnh quan hang động được gìn giữ hoàn hảo.
Từ cửa hang nằm ở dốc cao gần đỉnh núi, nhìn vào hang Gió là một hố đen ngòm, sâu hun hút, có độ dốc thoải và khá trơn trượt. Hang Gió gây ấn tượng với tôi không bởi vẻ ngoài bề thế như các cửa hang khác, mà bởi sự đơn giản, bé nhỏ đến bất ngờ.
Thật khó để hình dung đằng sau vẻ khiêm tốn nơi cửa hang, lại mở ra một thế giới hang động hoàn toàn khác biệt hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của nhũ đá, măng đá, của độ rộng vòm hang, của những trụ thạch nhũ khổng lồ, cao ngất.
Nếu như đường rừng đến hang Gió khá trắc trở, lối xuống hang dễ gây căng thẳng bởi độ dốc và trơn trượt, thì khi tiếp cận lòng hang, cảm giác thực sự được tận hưởng. Cả một vùng hang rộng lớn, tựa một “đại lễ đường” cao đến hơn 30m, trải dài liên tục 400m, nhấn nhá trên suốt chiều dài ấy nếu nhìn xuống dưới chân là những thửa ruộng thang, tuy không cao và dày như ở hang Tiên, chỉ gợn lớp với bề dày từ 20 – 50cm, nhưng cũng đủ tạo nên hiệu ứng hình ảnh trông xa như những đợt “sóng” liên hoàn. Còn trên vòm trần, là vô số các măng đá, nhũ đá kết thành bức tranh phong cảnh thiên nhiên hùng tráng, đẹp một cách ma mị dưới ánh đèn chiếu của đoàn thám hiểm.
Nếu ở đại cảnh, hang Gió hớp hồn bởi sự hùng vĩ, thì ở các chi tiết nhỏ “trang trí” cho vẻ đẹp mượt mà của hang, chính là lớp măng đá, nhũ đá. Điều lạ là măng đá ở hang Gió có hình thù rất khác biệt, dù là hang khô, có khả năng tạo suối vào mùa mưa lũ nhưng lớp măng đá trong hang vẫn sống và được nuôi từng ngày nhờ hơi nước theo gió cuộn trong lòng hang. Nhờ kiến tạo địa tầng, địa chất kỳ lạ ấy cùng cơn gió, các lớp măng đá mọc thành từng mảng, hình hài như hàm cá mập khổng lồ với những chiếc răng nhọn hoắt, buông rủ từ vách hang, thật đầy ấn tượng.
Ở hang Gió ngoài vẻ đẹp trong kết cấu nhũ đá, măng đá, các cột tháp nhũ khổng lồ, vân đá trong lòng hang cũng mang lại nhiều bất ngờ bởi những đường nét viền đa sắc, chạy song song, cảm giác như có một bàn tay họa sĩ vẽ lên vòm trần hang các tác phẩm kỳ ảo, theo phong cách trừu tượng chứ không phải sự kiến tạo của đất trời.
Với chiều dài đo được của toàn hang Gió là 2.519m, địa hình trong hang tương đối bằng phẳng, thế nên chỉ mất chưa đầy một giờ là có thể đi hết chiều dài lòng hang, nhưng phải mất nhiều giờ mới đủ để tận hưởng vẻ đẹp muôn màu muôn dạng của tạo hóa, đã dày công kiến tạo lên những đường nét quyến rũ trong hang sâu. Một chuyến thám hiểm, khám phá hang Gió, hẳn là một hành trình phiêu lưu kỳ thú, với thật nhiều kỷ niệm đẹp khó quên.
Thiên An (thegioitiepthi.vn)
Bình luận bài viết