Di tích Luỹ Thầy, Quảng Bình
Hệ thống đồn lũy lừng danh của chúa Nguyễn thế kỷ XVII ở đàng Trong, gắn liền với tên tuổi nhà thơ, nhà quân sự kiệt xuất “bậc thầy” Đào Duy Từ, tác giả cuốn binh thư “Hổ trướng khu cơ” người kiến tạo nên hệ thống đồn lũy, góp phần giữ yên bờ cõi xứ đàng Trong. Vì lẽ ấy, những đồn lũy của chúa Nguyễn khu vực phía nam Quảng Bình có tên gọi “Lũy Thầy”.
Lũy Thầy là hệ thống chiến lũy được xây dựng từ năm 1630. Người có công đầu, khởi xướng và chỉ đạo thi công là Đào Duy Từ. Ông sinh năm 1572 và mất năm 1634, do có cha làm nghề xướng ca, nên mặc dù học rộng, tài cao, vẫn không được chính quyền phong kiến Lê-Trịnh cho dự thi. Phản ứng trước luật lệ khoa cử khắt khe của triều đình, ông bỏ đất Bắc tìm vào đàng Trong theo phò chúa Nguyễn và được trọng dụng phong làm quan Nội tán tước hầu.
Xem thêm: Các tour du lịch lên quan đến Luỹ Thầy
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634) sau trận kịch chiến với quân Trịnh trên sông Nhật Lệ năm 1627, tuy thắng, nhưng vẫn rất lo lắng, vì thế lực của chúa Trịnh Tráng (1623-1657) rất mạnh và không từ bỏ ý đồ thôn tính đàng Trong, bắt chúa Nguyễn phải thần phục. Mùa xuân năm 1630, Đào Duy Từ đệ trình kế hoạch xây dựng lũy Trường Dục để ngăn quân Trịnh. Theo kế của Đào Duy Từ chúa Nguyễn đã cho xây dựng chiến lũy bề thế, nhưng vẫn chưa yên lòng. Năm 1631, chúa Nguyễn lại sai Đào Duy Từ cùng danh tướng Nguyễn Hữu Dật ra Quảng Bình thị sát thế núi, thế sông vùng Động Hải để xây thêm thành lũy. Sau chuyến đi, các tướng Nguyễn lại vạch kế hoạch về việc đắp thêm một lũy mới gọi là lũy Đầu Mâu. Lũy được xây dựng cao 1 trượng 5 thước, phía ngoài đóng cọc gỗ lim, phía trong đóng cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp… cứ cách 3 đến 5 trượng lại xây một pháo đài đặt súng thần công, cách một trượng lại đặt một súng phóng đá. Chiều dài của lũy là 3.000 trượng.
Cũng vào năm 1631, chúa Nguyễn cho xây tiếp một lũy mới, tiếp nối với lũy Đầu Mâu, chạy từ cầu Dài, vòng sang phía Tây thành Đồng Hới, bọc lấy làng Đồng Phú (tên cũ của làng Phú Ninh) ra đến cửa sông Nhật Lệ. Phía ngoài lũy còn được đào hào vây quanh. Lũy Đầu Mâu hợp với lũy Nhật Lệ được gọi là lũy Trấn Ninh (hay chính lũy). Vẫn chưa thực sự yên lòng, vì mặt Đông vùng đất này vẫn trống. Để đề phòng quân Trịnh có thể đột nhập theo hướng này, năm 1634, chúa Nguyễn lại sai tướng Nguyễn Hữu Dật tổ chức đắp lũy Trường Sa. Lũy chạy từ Sa Động đến Huân Cát thuộc địa phận Bảo Ninh (hữu ngạn sông Nhật Lệ ngày nay).
Như vậy, suốt trong 3 năm, chúa Nguyễn đã theo mưu kế của Đào Duy Từ, không tiếc sức người, sức của, xây đắp nên chiến lũy bề thế với tổng chiều dài tới 34 cây số. Đây là hệ thống thành lũy liên hoàn, có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến chiến đấu. Trong điều kiện trang bị của binh lính hầu hết là mã tấu, dao dài thì hệ thống đồn lũy được chúa Nguyễn xây dựng kiên cố với việc phòng thủ thâm sâu, quân lính đối phương từ xa tới không dễ công phá.
Nhờ hệ thống đồn lũy này mà chúa Nguyễn phòng giữ được đàng Trong suốt từ năm 1634 cho đến những năm sau này. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì năm 1648, tướng Trương Phước Phấn đã cùng con là Hoàng nhờ có thành lũy mà đánh lui được quân Trịnh, giữ yên bờ cõi đàng Trong cho chúa Nguyễn.
Năm 1842, vua Thiệu Trị trên đường tuần du ra Bắc, qua lũy Trấn Ninh đã đổi tên lũy cũ thành Định Bắc Trường thành và cho dựng bia, khắc thơ để nhớ, bởi nhờ có lũy Thầy mà ý đồ cát cứ của chúa Nguyễn được thực hiện.
Theo Báo ĐT QĐND
Bình luận bài viết