den_quang_binh_tieu_tien_luc_nay_moi_chinh_la_nghia_tinh

Ngành công nghiệp không khói – du lịch ở Quảng Bình (cũng như các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị…) đang thật sự khó khăn sau sự cố môi trường nghiêm trọng biển ô nhiễm, cá chết hàng loạt. Các địa phương đã cố gắng hết sức giúp nhân viên ngành du lịch có thu nhập nuôi sống gia đình. Đến Quảng Bình lúc này, nếu không ăn hải sản thì việc bạn dùng bất cứ dịch vụ nào cũng là tạo cơ hội cho người dân ở đây.
Ở Quảng Bình, giữa tháng 5, báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch cho thấy lượng khách đến địa phương này giảm 60% (102.000 người), công suất buồng-giường giảm hơn 55% so với năm 2015. Hơn 50% tour đặt trước bị hủy, thiệt hại doanh thu trực tiếp về du lịch tính sơ bộ 102 tỉ đồng. Hơn 4.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và gần 7.000 lao động gián tiếp có nguy cơ thất nghiệp. Hàng loạt dự án nhà hàng, khách sạn vay vốn xây dựng đang gặp khó khăn. Ở các địa phương vùng cá chết, du lịch biển càng ảm đạm. Quảng Bình là địa phương gặp khó khăn nặng nề nhất.

Du lịch Quảng Bình chỉ mới bắt đầu khởi sắc vài năm trở lại đây khi mà hệ thống hang động hàng đầu thế giới luôn được phát hiện mới mỗi năm, đặc biệt là hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, tiếng tăm lan tỏa toàn cầu. Quảng Bình còn nổi tiếng là vùng hải sản tự nhiên tươi ngon mà ít xứ biển nào có thể sánh bằng. Bờ biển ở đây trong xanh, đẹp mê hồn nên thu hút ngày càng nhiều du khách trong Nam ngoài Bắc và khách quốc tế.

Mùa du lịch biển năm 2015, hàng trăm nhà hàng ven biển ở Nhật Lệ, Đá Nhảy, Quảng Thọ, Vũng Chùa, Quảng Phú, Hải Ninh… đều phải chạy đôn chạy đáo thuê thêm người phục vụ vì khách rất đông. Hàng quán ven biển không đắt đỏ, người phục vụ chất phác, hiếu khách khiến hàng triệu du khách phải lòng du lịch Quảng Bình mỗi năm.

qb 2Làm sao khôi phục được tình trạng như những mùa du lịch biển trước đây để vực dậy nền công nghiệp không khói?

Tuy nhiên năm nay, các nhà hàng ven biển phải cho nhân viên nghỉ xen kẽ, thu nhập giảm hơn nửa năm ngoái, lương thưởng và nhiều phụ cấp khác của người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng, kéo theo họ là con cái gặp khó khăn theo.

Quảng Bình là một vùng quê nghèo khó nhưng người dân quanh năm cần cù, đảm đang. Ai nấy chăm chỉ lao động vì cuộc mưu sinh lâu bền. Ngành du lịch, nền công nghiệp không khói được xem là lối đi bền vững mà địa phương này đã chọn, cho người dân hiện tại và thế hệ mai sau.

Thế nhưng năm nay là một mùa du lịch biển quá thất bát, không cần nhắc lại nguyên nhân thì ai cũng biết đó là vì sao. Người làm du lịch địa phương thật khó khăn để chòi đạp trong cơn bĩ cực. Địa phương này đang vận dụng hết sức các nguồn lực sẵn có để níu kéo du khách. Hơn ai hết, những người làm du lịch biết rằng bất cứ du khách nào đặt chân đến Quảng Bình trong thời gian này và sau nữa sẽ tạo cơ hội việc làm cho không ít người dân địa phương.

Mỗi ly cà phê được du khách dùng thôi, tạo niềm hy vọng cho người bán hàng, nhân viên chạy bàn… Một suất cơm lúc này được bán ra cũng giúp duy trì quán xá, đồng lương cho người lao động. Một suất ăn được đặt, một căn phòng khách sạn được ở trong lúc này thật quý hóa tình người sẻ chia. Bạn bè tôi làm trong ngành du lịch Quảng Bình vẫn thường nói với nhau, khách khứa về đây trong lúc này chan chứa nghĩa cưu mang. Cưu mang ở đây không phải là xin-cho, cưu mang ở đây là tạo niềm hy vọng, tạo được niềm tin, tạo được tình cảm để người vùng cát sau mỗi đêm thức dậy có thêm nguồn động viên.

Trong cơn khó khăn này, các địa chỉ du lịch Quảng Bình thật sự kiên cường, khốn khó mấy cũng đoàn kết lại, kề vai nhau cùng gánh lấy khó khăn. Vé tham quan các hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện giảm 30%. Dịch vụ nhiều nhà hàng giảm 10-20%… Những người làm du lịch cho hay, họ muốn tồn tại để phát triển, và xung quanh họ còn có các nhân viên và gia đình của nhân viên phụ thuộc vào công việc này.

Sở GTVT Quảng Bình đã làm một việc đầy ý nghĩa: thông thường hằng năm đơn vị này cho nhân viên đi du lịch ở đâu đó miền Nam hoặc miền Bắc, nhưng năm nay để tạo việc làm cho các địa chỉ du lịch địa phương, lãnh đạo Sở đã quyết định cho nhân viên nghỉ mát tại chỗ, dùng đặc sản của chính người Quảng Bình làm ra, sử dụng dịch vụ ngay tại địa phương để góp sức nhỏ vào hy vọng hồi sinh cho du lịch xứ cát.

Tôi vẫn theo sát các bảng quan trắc mỗi ngày từ cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình, mỗi ngày đều có cập nhật chất lượng nước biển ở các bãi tắm, chỉ số cho kết quả đều an toàn nhưng tâm lý lo ngại vẫn còn đó trong người dân, điều đó không thể trách được, bởi thông tin về nguyên nhân cá chết đến nay chưa thật sự rõ ràng. Những người làm du lịch Quảng Bình và người dân cả nước cũng mong muốn có thông tin càng sớm càng tốt, bởi có thông tin thì người dân càng tin tưởng vào những dịch vụ đưa ra. Nếu không có thông tin về nguyên nhân gốc, dù có nỗ lực bao nhiêu cũng khó vượt qua tâm lý e ngại, thật khó để trở lại trạng thái nhộn nhịp từng có.

Cơ hội trong lúc này là các bạn xách ba lô lên và đến với Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, tâm điểm của vùng cá chết trong sự cố môi trường nghiêm trọng. Bất cứ ai đến đều tiêu xài, và đồng tiền chi ra hôm nay chính là nghĩa tình. Bạn không sử dụng dịch vụ ven biển thì bạn sẽ sử dụng dịch vụ khác của người dân địa phương, những chuyến đi như thế trong lúc này là cánh cửa mở ra cho người bán cà phê, nhân viên chạy bàn, người lái taxi… cơ hội có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Đấy là cơ hội vì chúng ta có nhau.

Nguồn: motthegioi.vn