Đất và người Quảng Bình
Đồng Hới, Quảng Bình đón tôi bằng sự bình yên đến ngạc nhiên của một tỉnh miền trung phát triển mạnh về du lịch. Nhiều người bảo, không phải mùa cao điểm du lịch, nhưng kể cả như vậy thì nhịp sống nơi đây vẫn thế. Đủ cả sự phóng khoáng của biển cả, sự huyền ảo của núi rừng, hang động và hơn tất cả là những bao dung, hiền hậu, thân thiện của người dân nơi đây. Đó là điều thú vị để một lần đến và một lần nhớ.
Nhìn một số hàng ghế vẫn còn thừa trên máy bay, tôi hiểu, đây không phải là giai đoạn cao điểm đón khách du lịch trong năm của Quảng Bình. Cho đến khi máy bay hạ cánh và đi trên đường phố Đồng Hới, tôi mới cảm nhận rõ ràng hơn sự yên ả, bình yên của thành phố nơi cửa biển. Đó là một nhịp sống thong thả, đều đều từ sáng đến tối. Sự thong thả của thành phố ở cách người dân điều khiển các phương tiện giao thông trên đường, ở sự nhàn nhã của những người bán hàng rong dọc đường bờ sông, ở cái cách họ đi bộ, chạy bộ vào mỗi sáng mai hay chiều tà. Thậm chí, sự chậm rãi đến cả trong tiếng đàn ghi-ta của những bạn trẻ ngồi tụ họp ở ven đường dưới ánh đèn vàng nhạt. Như bao thành phố khác, buổi tối, Đồng Hới cũng lung linh đủ sắc màu. Các cổng chào rực rỡ ánh đèn, trong khi đài phun nước tuôn chảy những tia nước mát trong lành. Đường sá đều rất rộng, sạch sẽ. Chính vì thế mà không gian này khiến số phương tiện qua lại ít ỏi thêm thưa thớt và trôi chậm. Dù các ngã tư vắng bóng lực lượng cảnh sát giao thông nhưng người đi đường vẫn nghiêm túc tuân thủ luật lệ. Không ai vượt đèn đỏ, không ai để đầu trần hay phóng nhanh vượt ẩu. Dường như thời gian đang đứng lại tại nơi này, nhắc tôi sống chậm lại…
Cảm giác đi trên đường cứ như đi dạo trong công viên, thậm chí ngay đến những quán nhậu ven sông, ven biển Nhật Lệ cũng có một không khí như vậy. Chẳng có sự ồn ào, không có những tiếng “dô, dô” váng trời nơi quán nhậu. Thay vào đó là những nụ cười nhẹ nhàng, những câu chuyện vui vẻ bên bàn ăn. Âm thanh sôi động mà tôi có thể nghe được trong những ngày ngắn ngủi ở Quảng Bình chính là sự nhộn nhịp tại chợ Đồng Hới. Chợ nằm phía cuối đường Nguyễn Du và giao cắt với đường Mẹ Suốt. Tại đây, không khí hoàn toàn trái ngược với nơi tôi ở, nếu không muốn nói nó mang đúng không khí của một thành phố, từ tiếng loa, tiếng cười nói, tiếng còi xe… Tôi thử một lần thức dậy vào bốn giờ sáng để có dịp chứng kiến tận mắt chợ cá nằm phía trong diễn ra như thế nào, để cảm nhận sự huyên náo, mùi tanh, mặn của biển, của cá, tôm… xộc thẳng vào mũi, để thấy rằng, đây thật sự là thành phố biển, rằng cuộc sống vẫn đang diễn ra sau vẻ bình lặng bề ngoài.
Ở Đồng Hới có mấy ngày, tôi đã muốn đi xa hơn thành phố, để xem Quảng Bình không phải giai đoạn cao điểm du lịch như mùa hè thì có gì khác. Xuất phát từ tinh mơ khi cả thành phố dường như vẫn chìm trong giấc ngủ, chỉ lác đác một vài chiếc xe chạy trên đường, thấp thoáng có bóng người quét dọn ở cửa nhà và tiếng kéo cửa mở hàng. Con đường dẫn tới Phong Nha – Kẻ Bàng, những thắng cảnh như động Thiên Đường, hang Tối, suối Moọc… còn vắng vẻ hơn. Ở động Thiên Đường, nơi được mệnh danh là “Hoàng Cung trong lòng đất”, trên chiếc cầu gỗ dài hơn 1 km xuyên suốt hang, người ta thậm chí có thể nghe thấy rõ tiếng bước chân của khách tham quan hay tiếng nước nhỏ tí tách từ những thạch nhũ xuống. Hay ở động nước Phong Nha, nơi được xem là “chốn bồng lai dưới lòng đất”, trên chiếc thuyền có thể chở 12 người, nay chỉ có tôi và hai anh chàng người nước ngoài. Anh Nguyễn Văn Long lái thuyền ở đây cho hay, họ đã quen với lối sống chậm sau mùa du lịch bởi công việc của họ chỉ thật sự bận rộn từ cuối tháng tư cho tới đầu tháng chín hằng năm.
Không dám xem mình là một phượt thủ nhưng lần đầu độc hành trong cả chuyến đi khiến tôi thèm cảm giác được trò chuyện, gặp gỡ với ai đó, dù là trên cung đường đi Phong Nha – Kẻ Bàng hay đường Ba Trại, đồi cát Quang Phú hay bãi Đá Nhảy. Và, tôi đã được chào đón bằng những nụ cười thân thiện của rất nhiều người, từ chị chủ khách sạn hiếu khách chỗ tôi ở tới anh lái đò nhiệt tình ở Phong Nha, hay sự nhẹ nhàng của bà Nguyễn Thị Biền cho thuê máng trượt chỗ đồi cát Quang Phú cũng như cô bán bánh bột lọc ở con phố nhỏ Lê Quý Đôn… Tất cả đều mang lại cho tôi cảm giác như mình thuộc về nơi đây, rằng những con người đó đều rất thân quen và gần gũi.
Được trò chuyện cùng họ, tôi đã thấy rõ hơn cuộc sống của họ, của người Đồng Hới và Quảng Bình nói chung. Có lẽ, sau những thử thách, gian truân và không ít hy sinh, mất mát trong chiến tranh thì chẳng gì có thể lấy đi ở người dân nơi đây sự lạc quan, niềm tin vào tương lai và những nụ cười bao dung, hiền hậu. Vẫn biết sự vất vả vẫn hằn sâu trên từng khuôn mặt, họ luôn vui vẻ, gần gũi khi kể về cuộc sống mưu sinh của mình. Như bà Nguyễn Thị Biền cho thuê máng trượt vậy. Dù mùa du lịch chỉ kéo dài từ cuối tháng tư tới đầu tháng chín nhưng bà cũng không quá bận tâm hay lo lắng cho cuộc sống của bảy tháng còn lại. Không nghề phụ, không có công việc khác, song cuộc sống của bà và gia đình vẫn trôi đi lặng lẽ cho tới khi mùa du lịch mới đến. Hay bà Trần Thị Tâm ở khu du lịch bãi Đá Nhảy, huyện Bố Trạch cũng thong thả, chậm rãi trong những tháng ngày nghịch mùa du lịch. Bà vẫn dọn hàng đều đặn, dù thi thoảng mới có vài vị khách ghé thăm để chụp hình lưu niệm hay chụp hình đám cưới. Nụ cười chẳng mấy lo toan lúc nào cũng thường trực trên môi bà. Cũng trong những cảm nhận ấy, tôi còn nghĩ được gì hơn ngoài sự vui vẻ dâng trào trong lòng khi được một người đàn ông dân địa phương, tuy xa lạ với tôi, nhưng vẫn tận tình chỉ dẫn hướng đi con đường Ba Trại nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh lên Phong Nha – Kẻ Bàng. Ông đã vượt lên một đoạn rất xa, rồi lại tự đi chậm dần, chờ tôi đến gần để giải thích tỉ mỉ, như thể sợ một người khách như tôi không hiểu và sẽ lạc đường trước khi chiều xuống.
Rong ruổi mãi tới những nơi cần đến, tôi đã kết thúc hành trình ở tượng đài Mẹ Suốt bên sông Nhật Lệ để thắp nén hương cho người lái đò đã chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông trong những năm chống Mỹ, cứu nước trước khi trở về Hà Nội. Đây là địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thành phố và du khách gần xa khi đến với Quảng Bình. Chợt nhớ câu thơ Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung/Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ… trong bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu, tôi nghĩ Mẹ Suốt có lẽ cũng là biểu tượng của những người mẹ, người chị Quảng Bình mà tôi đã gặp trong chuyến đi này, cũng như những người mẹ, người chị trên khắp đất nước Việt Nam.
Hiển nhiên thì vài ngày không đủ để tôi khám phá, tìm hiểu và cảm nhận hết Quảng Bình nhưng tôi phải thừa nhận rằng, khi mình đã cảm thấy thân quen, thân thuộc với mảnh đất đó thì hà cớ gì không quay lại đây lần nữa, để được sống chậm, để được suy nghĩ trong một không gian thật sự yên bình.
Bình luận bài viết