Có nên vượt bức tường Việt Nam ở phương án đi xuyên hang Sơn Đoòng?
Năm 2009, hang Sơn Đoòng nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) được phát hiện khiến cả thế giới choáng ngợp vì nhiều cái “nhất thế giới”.
Từ năm 2013, hang Sơn Đoòng được phép khai thác du lịch. Công ty Oxalis – một doanh nghiệp tư nhân được độc quyền khai thác du lịch mạo hiểm ở đây. Hành trình khám phá thực hiện từ cửa trước của hang và khi đến cuối hang, gặp một khối thạch nhũ lớn thì quay trở ra. Với lộ trình này du khách phải đi bộ gần 10km trong hang. Tính cả chuyến đi, du khách đi bộ khoảng 50km và lưu trú lại trong hang Én 2 đêm và hang Sơn Đoòng 2 đêm.
Bức tường Việt Nam là khối thạch nhũ có tuổi đời hàng triệu năm nằm cuối hang Sơn Đoòng, có chiều cao khoảng 90m. Khối thạch nhũ này được đặt tên là Bức tường Việt Nam. Đầu năm 2017, Công ty Oxalis có tờ trình và nhanh chóng được BQL Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đồng ý phương án thử nghiệm đi xuyên hang.
Trước đây, du khách đi chạm vào Bức tường Việt Nam là quay ngược trở ra. Phương án mới cho phép du khách đi vào lối hang Én, đến cửa trước rồi vượt qua Bức tường Việt Nam và đi ra cửa hang. Với lộ trình mới, du khách chỉ đi bộ trong hang 5,6km, tức là giảm được một nửa đoạn đường của khách du lịch thực hiện ở trong hang. Đồng thời du khách chỉ đi bộ khoảng 30km và lưu trú lại hang Én 1 đêm và Sơn Đoòng 2 đêm thay vì lộ trình 50km và lưu trú 4 ngày 3 đêm như trước đây.
Để thực hiện được phương án vượt Bức tường Việt Nam, phía Công ty Oxalis đề xuất 2 đoạn. Đoạn 1, có độ dốc 45 độ, dài 65m được gắn dây đai an toàn định vị thành một lối đi bộ trên nền đá phẳng chứ không đi bộ lên những nơi có thạch nhũ đang hình thành. Dây, đai an toàn và thang dây để vượt đoạn này được bắt bulong nở kim loại không gỉ vào đá (loại có chiều dài 10cm và rộng 1cm).
Tổng cộng của đoạn này có 23 chốt khóa gắn vào vách đá để gắn dây an toàn khi di chuyển cho khách. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis cho biết: “Trong số đó, có 8 lỗ khoan để gắn chốt mới, còn lại 15 chốt tận dụng vị trí do các chuyên gia thám hiểm hang động đã gắn từ năm 2010”.
Phương án bắc thang vượt qua bức tường Việt Nam (Ảnh: Ryan Deboodt)
Đoạn 2 là bức tường thẳng đứng có chiều cao 25m được thiết kế thang lắp ghép (mỗi đoạn 2m làm bằng vật liệu kim loại không gỉ) và dễ dàng tháo gỡ khi không sử dụng. Thang được cố định bởi điểm đầu thang và chân thang. Đỉnh thang được cố định vào đá vôi, chân thang được cố định tại nền hang. “Đoạn 25m này thường bị ngập nước khi có mưa lớn, có khi ngập cao đến 20m”, ông Á cho biết thêm.
Việc gắn thang nhằm giúp giảm thiểu tác động trực tiếp vào hang, đồng thời hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn xảy ra và dùng để làm lối thoát khi nước lũ ngập cửa vào cửa hang. Theo Sở Du lịch Quảng Bình, việc lắp đặt thang vượt Bức tường Việt Nam trong hang Sơn Đoòng là phương án thử nghiệm đi xuyên hang. Phương án được nhóm chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đề xuất.
Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế các tác động từ hoạt động của du khách đến hang Sơn Đoòng, tiết kiệm được thời gian, bước chân của du khách khi tham gia đi trong tuyến.
Du khách nước ngoài nghỉ chân tại bản Đoòng
Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình cũng cho biết, việc lắp đặt thang và định vị lối đi bộ khi vượt Bức tường Việt Nam, nhóm chuyên gia hang động đã khảo sát thực tế và kiểm tra toàn bộ hệ thống hang Sơn Đoòng nhằm xây dựng lối đi ít tác động đến thạch nhũ cũng như xâm hại tài nguyên thuộc hệ động thực vật trong hang. Lộ trình đi xuyên hang được nhóm chuyên gia nghiên cứu khảo sát, đánh giá và phối hợp với BQL Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thực hiện.
Tuy nhiên, việc tạo một lối đi qua khối thạch nhũ có niên đại hàng triệu năm là điều cần tính toán kỹ lưỡng trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản vô giá này. Cần phải tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia đầu nghành trong lĩnh vực hang động để có những phương án tốt nhất. Đồng thời việc đánh giá tác động môi trường cần được đặt lên hàng đầu…
Nguồn Báo Nông nghiệp
Bình luận bài viết