Chùa Hoằng Phúc “Hoằng Phúc cổ tự ” là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 700 năm tại Quảng Bình.

Cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km, cách Quốc lộ 1A 3km, từ chợ Mai đi vào, hiện còn lưu dấu một ngôi chùa cổ: Chùa Hoằng Phúc, một trong số ít chùa cổ của vùng đất Thuận Hóa xưa. Ngôi chùa đã có niên đại hơn 700 năm về trước, đươc xem là ngôi chùa cổ nhất Miền Trung Việt Nam.

Chùa Hoằng Phúc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo sử cũ, Chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa được nhiều vị vua, chúa ghé thăm nhất ở miền Trung. Trải qua biến thiên của lịch sử, chùa được ghi nhận là nơi “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh). Chùa Hoằng Phúc được xây dựng cách đây hơn 700 năm, khởi nguồn có tên là Am Tri Kiến.

Toàn cảnh chùa Hoằng Phúc từ trên cao

Có thể nói, Chùa Hoằng Phúc là di sản của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt được cộng đồng dân cư mang theo trong quá trình di dân mở cõi phương Nam thời Lý – Trần, góp phần giữ gìn bản sắc Đại Việt khi đến vùng đất mới, để an cư lạc nghiệp.

Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân, lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.

Một góc chùa Hoằng Phúc

Trải qua thời gian, chùa đã bị hư hại, chùa bị sụp đổ trong cơn bão số 12 năm 1985. Đến thời điểm năm 2014, có một số hiện vật của chùa được lưu giữ như: mõ, một quả chuông bằng đồng cân 80 kg, cao 1,1m, đường kính 0,5m có tai treo chạm nổi hai con rồng miệng ngậm ngọc cùng nhiều hoa văn tinh xảo, tượng Phật, lư hương, đế đèn, bình hoa, tòa sen.

Các bàn thờ phật trong chùa

Tưởng chừng như những giá trị nó đã bị lãng quên qua thời gian. Nhưng vào ngày 1/6/2010, UBND Tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 1201/ QĐ – UBND xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích cấp tỉnh và vận động quyên góp trùng tu lại ngôi chùa này.

Ngày 30/11/2014, công trình phục dựng chùa Hoằng Phúc do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư với tổng số vốn 60 tỷ đồng từ đóng góp của cá nhân và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phật tử trong cả nước. Trong đó Công đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đóng góp chính.

Chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo hướng chính và giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời nhà Trần, gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa. Chùa vẫn giữ được nét trầm mặc, cổ kính với những bức tường rêu phong tạo cảm giác an lạc mỗi khi ghé thăm.

Đặc biệt, ngày 09 tháng 12 năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Chùa Hoằng Phúc là Di tích quốc gia.

Và ngày 15 tháng 06 năm 2016, Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 080/QĐ-BTS v/v Công nhận Ban Trụ Trì Chùa Hoằng Phúc do Thượng Tọa Thích Đức Thiện – Tổng Thư Ký GHPGVN làm trụ trì ngôi cổ tự Chùa Hoằng Phúc.

Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình thu hút nhiều Phật tử tới dâng hương lễ tạ vì nổi tiếng linh thiêng, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng.

CHùa Hoằng Phúc về đêm

Đến đây, chúng ta không chỉ đến với tâm thanh tịnh của mình, mà cũng là dịp để thấy được lối kiến trúc của một công trình di tích lịch sử tiêu biểu mang yếu tố tâm linh trên vùng đất “ Hai giỏi” này.

Chùa Hoằng Phúc– ngôi chùa “vô song phúc địa”, điểm đến văn hoá tâm linh.