Chợ biển Nhân Trạch
Bãi biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, từ khoảng 5h đến 8h sáng, khi những con thuyền đi lộng của bà con ngư dân trong xã cập bến là lúc chợ bắt đầu họp…
Thì cũng cá! Thì cũng mực! Cũng tôm, cua, ghẹ… nhưng, ra bãi biển này cảm xúc của tôi luôn mới mẻ. Roi rói những gương mặt, những khoang thuyền. Và bầu trời. Và mặt nước. Bạn tôi đi cùng bảo rằng, tất cả những gì mọc lên vào buổi bình minh đều rời rợi như thế, sức sống ngút ngàn như thế.
Khó có thể diễn tả bằng lời về khung cảnh đặc biệt của cái chợ cũng hết sức đặc biệt này. Nếu chưa quen, chúng ta sẽ trở nên luống cuống khi muốn mua một sản vật ở đây. Không phải vì khó bán, khó mua mà chỉ vì nó rộn ràng quá, đông đúc quá, nhiều thứ tươi ngon quá và rẻ quá, nên muốn ôm hết, không đành bỏ sót thứ gì và không muốn về.
Ông Nguyễn Văn Vinh, một ngư dân lão luyện có ngót nghét 50 năm bám biển dẫn chúng tôi đi qua những con thuyền lờ mờ trong sương sớm: Đây là thuyền cá nục. Đây là thuyền mực ống. Đây là cá trích. Đây là cá cơm… Tất cả lấp lánh dưới những tia nắng ban mai.
Tiếng người miền biển nặng và mặn, to và vang. Nghe không quen cứ ngỡ đang bị quát vào mặt nhưng nhìn gương mặt của họ sẽ biết rằng âm sắc ấy được bắt đầu từ tấm lòng thật thà, nhân hậu và tâm hồn phóng khoáng, rộng mở như biển, như trời đất Quảng Bình. Ông Vinh nói có vẻ phân trần “Người làng biển bầy tui ăn sóng nói gió quen rồi, không được nhẹ nhàng như người thành phố”.
Theo tư liệu lịch sử và gia phả các dòng họ ở Nhân Trạch, vùng quê này được khai sinh từ những năm giữa thế kỷ XVI. Đó là thời kỳ diễn ra một cuộc di dân lớn từ các tỉnh phía Bắc đèo Ngang chủ yếu là Thanh – Nghệ Tĩnh theo chiếu dụ di dân của vua Lê Thánh Tông “Bố Chính đất rộng, ít dân với châu Hoan, vậy quân dân ai đến đó khẩn hoang sẽ được lợi lớn”…
Người Nhân Trạch vẫn còn nhớ câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác về các bậc tiên hiền của họ. Rằng, trong dòng người di cư theo chiếu dụ của nhà vua có người đàn ông cõng theo con trai nhỏ từ Hà Tĩnh vào đất Bố Chính thì dừng chân bên bờ sóng. Thấy cảnh sắc nơi đây hợp với quê nhà, lại thuận tiện cho nghề đánh cá, ông quyết định ở lại. “Đất lành chim đậu”, cha con rau cháo nuôi nhau, lấy nghề biển để sinh sống và dựng xây quê mới. Làng Lý Nhân Nam nay là Nhân Trạch được khai sinh từ dạo đó. Người đàn ông ấy là ông tổ nghề biển ở Nhân Trạch.
Ông Vinh nói rằng: “Hồi trước Nhân Trạch khổ lắm! Nhân Trạch chìm trong gió và cát. Kẻ biển cách kẻ ruộng hàng cây số động cát cao. Xa xôi cách trở nên đánh bắt được con tôm, con cá cũng khó bán. Chia tỉnh, Quảng Bình phát triển, đường nhựa nối ra tận biển, ngư dân Nhân Trạch chỉ việc đánh bắt hải sản còn tất cả đã có thương lái, kẻ buôn lo. Cái chợ biển này chỉ mới tụ họp mấy mươi năm trở lại đây nhưng ngày càng đông vui tấp nập”.
Chợ biển Nhân Trạch thường bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng. Chợ và hơn thế nữa, bởi ở đây không chỉ có người mua và kẻ bán mà còn cả khách du lịch và những ai thích chốn đông vui mới lạ, đời thường. Đã nhiều lần đến đây và vẫn chưa thôi muốn đến, 4 giờ sáng, tôi một mình một xe vút đi trong tiếng gió rào rạt qua tai.
Quãng đường từ thành phố Đồng Hới ra Nhân Trạch chạy dọc bờ biển, băng qua rừng phi lao của người mẹ dành cả tuổi thanh xuân để trồng rừng chắn cát – mẹ Nghèng – Anh hùng Lao động, băng qua đồi cát Quang Phú trắng chất ngất. Nếu buổi chiều sẽ nghe rộn ràng tiếng cười của khách lãng du đi trượt cát. Vào giờ này, yên ả và cô độc buổi sớm mai.
Miên man chục cây số như thế rồi biển, biển giăng ra bao la trước mặt. Rồi chợ, chỉ kéo dài khoảng 500 mét ngay bên mép sóng, người trên thuyền, kẻ dưới nước mà rộn ràng quá đỗi. Lao vào, chen chúc, thích cánh kề vai, một de mực hay một de cá mà cả chục bàn tay cùng muốn bưng về, chỉ muốn thôi không chụp giật, sau thì vui vẻ buông ra rất nhanh để nhường một ai đó. “Vẫn còn nhiều tê mà!”, “Thuyền đang tiếp tục vô nữa đó!”, “Lo chi thiếu mà treng chắc”. 200.000/1 kg mực tươi trong. 60.000/1 kg cá nục xanh ngời. Chỉ nhìn thôi là đã nghĩ ngay đến một bữa ăn ngon và lành.
Cái đặc biệt của chợ biển Nhân Trạch là ngư dân ở đây đánh bắt hải sản về bán nhưng nếu cần họ sẵn sàng nấu cho khách ăn tại chỗ. Phía trên con đường dẫn ra biển đã có vài người thức thời, nhanh chóng dựng lên những quán nhỏ để phục vụ nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống trực tiếp từ biển lên. Món chủ đạo và có tính nóng hổi nhất luôn là mỳ tôm mực.
Đi từ sáng sớm, lượn lờ từ đầu đến cuối chợ mà có một tô mỳ tôm mực “cấp cứu” cơn đói thì không gì bằng. Nước nấu sôi dạt dào rồi thả ùm vài con mực còn trong veo vào nồi. Mực không cần phải chao rửa gì, hãy cứ để “nguyên đai nguyên kiện” em nó từ biển lên. Cho sôi thêm vài dạo nữa, thả tiếp mỳ tôm và dăm ba chiếc lá quế xinh xinh, thế là xong.
Những chú mực căng tròn, đậm đà giòn ngọt làm tê lưỡi nhiều người. Bạn tôi từ Huế ra, không mê gì, chỉ mê mỳ tôm mực buổi sáng ở Nhân Trạch. Với nó, không có bữa sáng nào “vương giả” như bữa sáng ở nơi đây. Vừa đã con mắt. Vừa sướng cái mồm. Lại vừa lâng lâng toàn thân vì mơn man gió biển. Tôi thì đã nghiện món mỳ tôm mực thần thánh từ lâu nay. Nhiều hôm bươn vượt ra đây chỉ ăn một tô mỳ rồi về mà thấy vui và thoải mái vô cùng tận.
Những tín đồ của men say lại có cách thưởng thức khác, cũng hấp dẫn không kém. Đó là món cá nục quấn cải hay gỏi khuyếc xúc bánh tráng. Người miền biển nói chung và Nhân Trạch nói riêng nấu các món ăn mộc mà tinh. Người ta không cần nhiều gia vị màu mè vì như thế sẽ mất hết hương vị biển.
Cá nục bắt lên cũng không cần rửa ráy nhiều, chỉ cần lấy sạch nội tạng một cách thật khéo léo rồi để nguyên vị mặn mòi của biển như thế. Phi thơm một chút hành, một trái cà chua, một khoanh dứa nhỏ, đổ nước vào. Trắng, đỏ và vàng sôi lên thì thả từng chú cá tròn lẳn, thuôn dài vào. Vị mặn của biển. Vị chua chua ngọt ngọt của cà chua và dứa. Vị thơm béo của cá. Nước rất trong và thanh. Tự nhiên hết thảy! Đẹp không nỡ ăn nhưng đã ăn thì không nỡ… dừng lại. Chợ biển Nhân Trạch hấp dẫn chính ở quy trình khép kín từ đánh bắt đến ăn uống như thế này. Vậy nên không ai là không muốn đến. Và đã đến rồi thì sẽ còn muốn trở lại.
Xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch hiện có hơn 100 tàu thuyền đi lộng, khai thác hải sản theo mùa và con nước. Mùa khai thác rộ của bà con thường diễn ra trong vụ cá Nam từ tháng tư đến tháng mười hằng năm, đó là khi thời tiết thuận lợi cho những con thuyền công suất thấp.
Ông Vinh cho biết, mùa này nếu đi biển đều đặn, mỗi ngư dân có thể có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng một tháng. Mùa Bắc thời tiết bất lợi, chỉ phù hợp với thuyền đánh cá xa bờ nên bà con ít ra biển vào thời gian này mà chuyển sang chế biến.
Bà Nguyễn Thị Kha suốt đời chưa bao giờ đi ra khỏi quê hương của mình. Bà làm nghề chế biến nước mắm truyền thống, chượp ướp các loại cá thính và làm hải sản khô nên nói rằng “Đời tui chỉ có chum với vại. Chẳng có chi hơn!”.
Mùa đông, chồng nghỉ biển, thuyền nằm bờ cũng là lúc các chum nước mắm, vại cá thính của bà đến độ chín. Đỏ au và thơm lừng. Mắm bà Kha và của các mẹ, các chị Nhân Trạch chỉ cần rán giòn chút mỡ lợn, băm thêm chút dứa tươi, cắt vào dăm cây nén hương nữa là tốn cơm thôi rồi. Mới hay, người Nhân Trạch chăm chỉ, cần cù và hoạt bát. Họ biết sống nhờ biển trong mọi hoàn cảnh. Lượn lờ khắp làng, mò mẫm vào từng con ngõ nhỏ ở đây sẽ thấy trong mỗi gia đình ngư dân luôn có sự phân công lao động hợp lý. “Thì cũng từ con cá, con tôm cả thôi nhưng mỗi người một việc. Ông chồng đi đánh bắt thì mụ vợ ở nhà chế biến. Mùa hè bán tươi. Mùa đông bán khô. Có rứa mới nuôi con ăn học được. Chỉ lo nghề biển thất truyền!”, ông Vinh dẫn tôi đến thăm nhà và nói như vậy.
“Nghề biển thất truyền”, nỗi lo của ông Vinh là điều có thật và đang đến rất gần. “Nhà tui 5 đứa thì 3 đứa đang ở nước ngoài: Đức, Hàn, Nhật. Ơn biển nặng nhưng mỗi thời mỗi khác. Biết làm răng?”. Thế hệ suốt đời bám biển như ông Vinh đang mai một dần vì tuổi cao, sức yếu. Thế hệ trẻ không còn mặn mà với biển vì nghề biển vất vả và thu nhập bấp bênh. Tất cả lớn lên nhờ biển nhưng đều tìm cách thoát ly biển. Số thanh niên ở lại quê hương nối nghiệp ông cha rất ít. Đặc biệt là kể từ sau sự cố môi trường biển Formosa năm 2016, làn sóng đi lao động nước ngoài ở Nhân Trạch lan vào từng gia đình. Mỗi năm có từ 100 đến 150 thanh niên đi xuất khẩu lao động.
Toàn xã hiện có khoảng gần 1.800 lao động đang sinh sống và lao động ở nước ngoài trên tổng số 5.200 lao động trong độ tuổi. Kết quả mang lại là mỗi năm Nhân Trạch nhận về 200 tỷ đồng kiều hối. Quê nghèo bên chân sóng đổi thay từng ngày. Làng xưa giờ đã nên phố và ngày càng rất phố. Những làng “Sơ Un”, làng “Tokyo”, làng “Úc”, làng “Đức” mọc lên nhờ nguồn tiền từ con em ở các nước Hàn, Nhật, Úc, Đức… gửi về. Chỉ có giọng nói người Nhân Trạch, dù có đi chân trời góc biển vẫn nặng và mặn, to và vang như sóng gió mà thôi.
Tôi từng có những buổi sáng ngồi mãi ở chợ biển Nhân Trạch mà không muốn về, từ lúc chỉ có những ánh đèn đội đầu của các chị, các mẹ trong làng ra đợi thuyền chồng con le lói trong màn sương đến bãi biển chộn rộn người và hải sản, chộn rộn âm thanh bán và mua, chộn rộn nói cười và gắt gỏng; từ chưa rõ mặt người đến mặt trời lên, chợ vãn dần, người bán về nhà, cá mực theo người mua đi các nẻo, chỉ còn bãi vắng và những con thuyền buông neo dập dềnh trên đầu sóng.
Vì yêu quá nên thấy Nhân Trạch đổi thay mà lo một mai buổi sáng nào đó phi xe ràn rạt ra đây nhưng không còn chợ biển để thỏa thích chơi, thỏa thích mua và thỏa thích ăn uống. Không còn chợ biển thì Nhân Trạch buồn biết mấy. Tôi nói với ông Vinh và bà Kha nỗi lo viển vông này, ai cũng cười: “È, lo chi, có biển là có thuyền, có thuyền là có cá có tôm. Lũ thanh niên trong làng vẫn còn nhiều anh ham biển lắm. Đi nước ngoài chỉ là tình thế thôi. Con trai đầu của tui, đi nước ngoài 5 năm, về làm được cái nhà chắc chắn, còn thêm chút vốn lại đóng thuyền đi biển. Nhân Trạch phải đi biển mới ra Nhân Trạch! Biển vắng cũng như cái nhà của mình vắng vậy!”.
Trương Thu Hiền (cand.com.vn)
Bình luận bài viết