Di tích lịch sử bến phà Gianh
Di tích Lịch sử bến phà Gianh nằm ở hạ Lưu sông Gianh, cách cửa biển về phía tây 2 km (bến phà I) và 5 km (bến phà II). Với vị trí địa lý như vậy, đến với di tích bến phà Gianh bằng đường bộ hoặc đường thủy đều thuận lợi. Trên quốc lộ 1A, bến phà Gianh ở tại km 625 + 500, cách Hà Nội 462 km về phía Nam, cách tỉnh lỵ Quảng Bình 34 km về phía Bắc. Đi bằng đường thủy, từ cửa biển vào sông Gianh, ngược về phía thượng nguồn từ 2 đến 7 km là có thể ghé thuyền thăm di tích.
Các sông ngòi ở Quảng Bình đa phần đều chảy từ Trường Sơn ra biển (theo hướng tây sang đông). Chính vị trí địa lý đó cửa Quảng Bình nếu xét về mặt giao thông vận tải, các con đường, các dòng sông, cửa biển đều có một vị trí quan trọng trong thời chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng. Lúc xưa, khi phương tiện chiến tranh còn thô sơ, núi và sông thường được lợi dụng làm phòng tuyến thành lũy thiên nhiên, hỗ trợ đắc lực cho các kế sách tranh giao đất đai, quyền lực giữa các thế lực chống đối nhau. Sông Gianh là một chiến lũy thiên nhiên lợi hại, sông rộng to, đôi bờ khá trống trải tạo nên sự cản trở đắc lực trong những cuộc giao tranh. Các triều đại phong kiến, bọn xâm lược ngoại bang đều lợi dụng sự chia cắt địa lý của sông Gianh ở Quảng Bình để phục vụ lợi ích của mình.
Đặc biệt, dòng sông Gianh đã từng là chứng nhân của một thời kỳ lịch sử Trịnh – Nguyễn phân tranh, của hai tập đoàn phong kiến này lấy sông Gianh làm giới tuyến. Nhân dân 2 bờ Nam – Bắc sông Gianh phải chịu đựng biết bao tang thương, khổ đau do nội chiến kéo dài, dai dẳng.
Sau khi chiếm được nước ta, thực dân Pháp thực hiện công cuộc thực dân hóa, bóc lột thuộc địa. Chúng cho xây dựng Quốc lộ 1 để tiện bề khai thác, vơ vét và đưa quân đàn áp phong trào phản kháng của nhân dân ta. Tại đoạn Quốc lộ 1 đi qua Quảng Bình, chúng cho xây bến phà Gianh (vào năm 1886).
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân. Cùng với những công việc bề bộn khác, chính quyền tỉnh nhà đã nhanh chóng khôi phục hoạt động của bến phà để phục vụ cuộc sống của nhân dân.
Năm 1947, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Quảng Bình. Từ đây, nhân dân Quảng Bình cùng với nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ bước vào cuộc kháng chiến gian nan, quyết liệt chống thực dân Pháp, giành độc lập, tự do.
Những năm thực dân Pháp chiếm đóng Quảng Bình (1947 – 1954), ở vùng sông Gianh, chúng đóng đồn ở Thanh Khê, ngay cạnh bờ Nam bến phà Gianh nhằm bảo vệ đường chuyển quân trên Quốc lộ 1, và để từ đây đưa quân ngược sông Gianh đánh phá cướp bóc vùng thượng lưu. Nhân dân ta tích cực kháng chiến, tổ chức đánh du kích, kìm hãm bước tiến của kẻ thù. Đoạn Quốc lộ 1 từ bờ bắc phà Gianh trở ra bị nhân dân, du kích ta triệt để phá hoại. Vì vậy, giặc Pháp không thể sử dụng được. Bến phà Gianh ngừng hoạt động.
Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Thực hiện kế hoạch hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bến phà Gianh nhanh chóng được khôi phục. Bằng tinh thần lao động cần cù, thông minh, sáng tạo chỉ trong một thời gian ngắn, bến phà Gianh bị bỏ hoang từ lâu đã được sửa chữa, phục hồi và đi vào hoạt động.
Năm 1960, bến phà Gianh xưa không còn đáp ứng được yêu cầu cho việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Giao thông Vận tải quyết định xây bến phà Gianh mới, chuyển lên phía thượng lưu, cách bến phà cũ 5 km, bờ bắc thuộc xã Quảng Thuận, bờ nam thuộc xã Hạ Trạch với qui mô lớn hơn nhiều so với trước đây. Đây là vị trí sông hẹp nhất (ở hạ lưu) cách xa cửa Gianh 7 km. Bến phà mới có tên là bến phà Gianh (hay là bến phà lI) bến phà cũ mặc nhiên được gọi là bến phà I.
Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ở Quảng Bình, máy bay Mỹ đánh vào cửa Roòn, cửa Gianh. Bộ đội phòng không, hải quân và dân quân tự vệ, các đơn vị và nhân dân trong vùng đã kịp thời tổ chức lực lượng phối hợp chặt chẽ đánh trả địch quyết liệt.
Lúc này, cán bộ chiến sỹ phà Gianh thực hiện vượt sông ở cả 2 bến. Nếu bến phà I bị tắc đường thì sử dụng bến phà II và ngược lại. Ngoài ra, chúng ta còn xây dựng các bến phụ, lập phương án điều hành các đoàn xe vượt sông theo các tình huống khác nhau được chuẩn bị từ trước. Ở các điểm vượt sông đều có phương án “4 trước”: Đề án thiết kế trước, vật liệu thì công chuẩn bị sẵn trước, bố trí lực lượng thi công trước và phân công người chỉ huy trước. Nhờ vậy, bến phà Gianh tuy gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, chi viện kịp thời cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở chiến trường miền Nam. Khẩu hiệu hành động “Đầu đội bom, chân bám phà, tay lái, tay súng, miệng hát bài ca chiến thắng” đã trở thành phong trào cách mạng trong toàn đơn vị.
Bằng những việc làm sáng tạo, với lòng dũng cảm trong chiến đấu và lao động của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương, phà Gianh vẫn hoạt động thông suốt, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Bến phà Gianh nhiều đêm bị tắc, chi đoàn bến phà Gianh phát động phong trào đoàn viên làm nòng cốt trong việc mở luồng vượt sông. Bí thư chi đoàn Võ Xuân Khuể là người đi tiên phong, lái ca nô mở hết tốc lực lướt nhanh qua bom từ trường, kích cho bom nổ đằng sau, mở luồng an toàn cho phà chở hàng, chở xe qua sông. Hành động của anh được ghi nhận bằng câu thơ thật giản dị, nhưng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng:
“Giọt máu đỏ quí hơn vàng
Nhưng khi Đảng gọi, sẵn sàng hiến dâng’’
Công việc đưa hàng, đưa xe vượt sông ban đêm đầy hiểm nguy, vất vả. Nhưng việc ban ngày đưa phà, ca nô đi dấu cũng chẳng kém phần gian nan. Lúc đầu, phải đưa phà, ca nô lên tận Thuận Bài, Minh Lệ, La Hà, vừa xa, vừa kém an toàn. Công việc này đòi hỏi một cuộc đấu trí vô cùng gay go, quyết liệt. Cuối cùng chiến sỹ bến phà Gianh đã tìm ra cách thích hợp. Có chiếc ca nô đậu gần bến bị địch đánh hỏng, ngày ngày máy bay Mỹ nhận biết đó là “Mục tiêu chết” không dòm ngó nữa, anh em cho thay vào đó chiếc ca nô “sống” và ngụy trang giống như chiếc ca nô hỏng, vậy là lừa được địch. Nhưng với con phà, mục tiêu lớn hơn, không thể “chơi trò ú tim” như với ca nô được. Các kỹ sư Hoàng Ngọc Bích, Lê Văn Câu… đã tích cực nghiên cứu, vắt óc sáng chế đóng mới loại “phà dìm” tại chỗ. Phà có 3 khoang, 2 khoang ngoài có “lổ lù” cho nước vào ra được. Khoang giữa để rỗng, bít kín không cho nước vào. Mỗi khi nước vào đầy hai khoang ngoài, phà chìm lơ lững dưới mặt nước, máy bay địch không thể phát hiện được mục tiêu. Tối đến bơm rút nước ra, phà nổi dần, đưa vào bến hoạt động bình thường. Chiếc “phà dìm” ra đời là một sáng tạo có hiệu quả tốt của cán bộ, chiến sỹ bến phà Gianh, tiện lợi trong việc cất giấu đã rút ngắn được thời gian chờ đợi, nhờ vậy tăng chuyến vượt sông mỗi đêm.
Mặc dù địch đã huy động đến mức cao nhất lực lượng và vũ khí tập trung đánh phá có tính hủy diệt các mục tiêu quân sự, kinh tế… nhưng địch vẫn không ngăn nổi sự chi viện của đồng bào, chiến sỹ miền Bắc cho cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc của đồng bào, chiến sỹ miền Nam. Trong thành tích chung của quân và dân Quảng Bình có sự cống hiến xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ bến phà Gianh trên mặt trận đảm bảo giao thông. Nhiều gương hy sinh anh dũng, nhiều hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ bến phà Gianh đã xuất hiện, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ trên mặt trận giao thông vận tải.
Bình luận bài viết