Lạc trong làn mây trắng phát hiện hang động lớn nhất thế giới
Trong hành trình đi rừng của mình, một lần tình cờ Hồ Khanh nhìn thấy làn mây trắng đục kèm với gió từ phía trong thổi ra. Lúc đó, anh tưởng mình đã lạc vào chốn thần tiên nào đó vì cảnh vật liêu trai, kỳ bí, anh không dám tiến sâu vào hang vì có tiếng hú lạ phát ra. Không ngờ, 18 năm sau, hang này được công bố là hang lớn nhất thế giới.
Nhìn thấy hang lớn không dám tiến vào sâu
Như đã nói ở bài trước, mỗi lần nhắc đến hành trình khám phá hang động của mình, Hồ Khanh đều nhắc đến động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng – 2 hang động thuộc hàng tuyệt đẹp, kỳ vĩ nhất ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, với một sự tự hào vô cùng lớn trong sự nghiệp của anh. Trở lại câu chuyện khám phá hang Sơn Đoòng, “Vua hang động” nhớ lại: “Năm 1990, tôi đi tìm trầm, xuyên qua những khu rừng nguyên sinh của Phong Nha – Kẻ Bàng để tìm cơ hội đổi đời. Trong một lần đi lạc, không tìm được lối ra, tôi đến một cửa hang nằm ẩn hiện dưới những lớp mây mù. Tôi đến gần, nghe gió thổi từ bên trong ra ngoài mát rượi, tưởng mình đã lạc vào chốn thần tiên vì cảnh vật chưa bao giờ thấy. Tôi đắn đo việc tiến vào hang hay không vì có tiếng hú lạ phát ra”.
Gạt nỗi lo sợ sang một bên, Hồ Khanh lần mò vào hang, càng đi sâu vào tiếng gió rít càng kinh người. Đi được khoảng 50m, Hồ Khanh nghe gió hoà với tiếng thét của thác nước chảy xiết, anh vội quay ra trở về nhà. Sau khi về được nhà, Hồ Khanh bỏ hẳn nghề tìm trầm. Anh vẫn là một sơn tràng, nhưng không dám thực hiện những chuyến đi sâu vào rừng rậm nữa. Hồ Khanh quyết bỏ nghề rừng sau khi lấy vợ, làm nông, yên tâm với ruộng vườn. Khi những đứa con lần lượt chào đời, khiến Hồ Khanh quay trở lại, đi sâu và xa hơn vào những khu rừng ở vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Gánh nặng cơm áo, trụ cột gia đình như một cái duyên đưa người đàn ông này bước chân qua hàng chục hang động khác nhau trong hệ thống núi đá vôi ở vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, trải dài qua 3 huyện của Quảng Bình.
Hồ Khanh kể, cái duyên đưa anh đến với danh hiệu “vua hang động” bắt đầu từ lần gặp gỡ với Howard Limbert – nhà thám hiểm, chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. “Năm 2008, một đoàn do ông Howard Limbert dẫn đầu đến Phong Nha để khảo sát trước khi thực hiện những chuyến thám hiểm. Ông tìm những người có kinh nghiệm đi rừng như tôi để thăm dò. Tôi kể lại tất cả những gì mình tận mắt chứng kiến, những nơi mình đã đặt chân đến đặc biệt là về cái cửa hang lớn có áng mây trắng từng gặp. Khi nghe đến đó, ông Howard Limbert mắt sáng rực lên, tinh thần đầy phấn chấn”, anh Khanh nhớ lại.
Qua miêu tả của Hồ Khanh, ông Limbert nhận định đó sẽ là một cái hang khá lớn và động viên ông Khanh đi tìm lại cửa hang. “Bấy giờ tôi không mấy hứng thú với việc trở lại đi rừng. Nhưng thấy ông ấy háo hức nên nhận lời”, Hồ Khanh bộc bạch.
Trước khi trở vào rừng, Hồ Khanh tìm gặp những sơn tràng khác để hỏi về cửa hang, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Chưa ai ở địa phương từng gặp hang này, Hồ Khanh đành trở vào rừng một mình. Ngày đầu tiên, Hồ Khanh mất phương hướng giữa rừng xanh núi thẳm. Nhưng kinh nghiệm đi rừng và cơ duyên đã đến với người đàn ông này khi vào ngày thứ hai, Hồ Khanh tìm lại được cửa hang. Khoảng một năm sau, chuyên gia hang động Howard Limbert quay trở lại Việt Nam cùng đội ngũ cộng sự và trang thiết bị để thực hiện các chuyến khám phá hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng, tiếp bước những tiền bối đã tìm ra động Phong Nha từ hơn 100 năm trước. (Theo sử liệu, động Phong Nha – kỳ quan đệ nhất động – được một linh mục người Pháp tên L.Cadiere tìm ra từ cuối thế kỷ 19).
Hang lớn nhất thế giới
Trải qua hàng chục chuyến khảo sát của hai người đàn ông nặng duyên với hang động này, Sơn Đoòng cuối cùng cũng được tìm ra vào năm 2010. Thời điểm mới phát hiện, khi đoàn vừa tới cửa hang đã nghe tiếng gió thổi ào ào. Howard Limbert bất ngờ ôm chầm lấy Hồ Khanh, chúc mừng anh. Bởi mới đến cửa hang, nghe tiếng gió, nhưng với kinh nghiệm từng trải của một chuyên gia thám hiểm, Howard Limbert biết, họ sắp được chứng kiến một tuyệt tác của tạo hoá ban tặng. Càng đi sâu vào hang, vẻ đẹp kỳ vĩ của nó càng mê hoặc.“Theo thông lệ thì người phát hiện hang động được đặt tên. Tôi đã chọn tên Hồ Khanh, nhưng sau đó có ý kiến đề nghị đặt lại. Họ gợi ý chọn tên Đoòng, một bản nhỏ trên đường vào hang và tôi đồng ý đặt là Sơn Đoòng, với nghĩa ngọn núi ở sau bản Đoòng”, Hồ Khanh kể.
Từ đó trở đi, Hồ Khanh cộng tác với đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, hàng năm vào rừng Phong Nha tìm thêm các hang khác. Những lần sau này, anh được thoải mái chọn tên hang và đã có rất nhiều cái hang mang tên người thân, như hang Nghĩa (tên vợ của Hồ Khanh), hang Thái Hoà (tên con), hang Hùng (tên một người bạn)…
Cái tên Hồ Khanh cũng được nhiều đoàn thám hiểm, nghiên cứu sinh vật lựa chọn để làm người dẫn đường cho mỗi chuyến nghiên cứu dơi, voọc hay là tìm kiếm một loài cây.”Những năm đầu, phương tiện bảo hộ không có nhiều nên gặp không ít nguy hiểm. Nhiều năm sau tằn tiện, tôi mới mua cho riêng mình trang bị chuyên nghiệp của người đi hang động. Những thứ này vô cùng đắt, có khi chỉ một đinh vít bắt vào đá đã mấy triệu đồng”, Hồ Khanh cười kể.
Anh Hồ Khanh và chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert, người phát hiện, thám hiểm và công bố hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nằm trong hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Sơn Đoòng là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 hang động khác ở Việt Nam. Năm 2014, The New York Times xếp địa danh này vào vị trí thứ 8 trong danh sách 52 địa danh cần đến của năm. Theo các nhà địa chất học, hang Sơn Đoòng được hình thành cách đây khoảng 2-5 triệu năm, khi nước sông chảy ngang vùng đá vôi bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước gây xói mòn và tạo ra đường hầm khổng lồ như ngày nay. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày tạo thành những vòm hang khổng lồ. Hang có chiều rộng 150m, cao hơn 200m và chiều dài lên đến gần 9km. Theo ước tính, dung tích của Sơn Đoòng là 38,5 triệu m3 , tương đương 15.000 bể bơi chuẩn Olympic. Các ghi nhận cho biết một số đoạn hang cao và rộng đến mức có thể “nhét” vừa một tòa nhà cao 40 tầng ở thành phố New York (Mỹ).Với kích thước này, Sơn Đoòng vượt qua hang Deer của Malaysia để là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
Không chỉ nổi tiếng bởi kích thước khổng lồ, Sơn Đoòng còn được biết tới bởi sự đa dạng trong cảnh quan sinh vật. Trong hang, các nhà thám hiểm phát hiện cả cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, chưa hề có dấu vết của con người. Các chuyên gia còn gọi khu rừng trong hang là “vườn địa đàng” nhằm tôn vinh vẻ đẹp tuyệt mỹ. Một đặc điểm khác của Sơn Đoòng là hệ thống nhũ đá và “ngọc trai” hang động khổng lồ.
Trải qua hàng triệu năm dưới tác động của ngoại lực, những cột măng đá trong hang cao đến 70m. Ngoài ra, người ta còn phát hiện những viên “ngọc trai” hang động to bậc nhất thế giới ở Sơn Đoòng. Thông thường, các viên “ngọc trai” dạng này chỉ có đường kính khoảng 1cm nhưng tại Sơn Đoòng, kích thước bằng quả bóng chày. Bên cạnh đó, hang còn có những quần thể san hô và di tích thú hóa thạch. Trong hang, người ta còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2,5km. Các nhà khoa học cho biết Sơn Đoòng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn bởi các phương tiện hiện đại nhất ngày nay vẫn chưa khám phá được hết nơi đây. Sự hùng vĩ và đồ sộ về cảnh quan của Sơn Đoòng khiến nơi đây được thế giới vinh danh là “Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam”.
Tác giả: Ngô Huyền (Đời sống & Pháp luật)
Bình luận bài viết