Về công tác vào hạ tuần tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Kỳ vọng Quảng Bình sẽ tạo nên một làn “Gió Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam. Đó chính là sứ mệnh đối với đất nước”. Và thực sự, Quảng Bình đang tạo ra một luồng gió mới trong ngành “công nghiệp không khói” khiến người ta phải khát khao…

Thuyền du lịch của người dân bản địa tấp nập chở khách trên sông Son. Ảnh: T.N.Phong

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Quảng Bình tự hào có HTX Đại Phong, huyện Lệ Thủy – Lá cờ đầu trong nông nghiệp toàn miền Bắc. Phong trào hợp tác hóa nơi vùng quê này đã thắng lợi to lớn và trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn miền Bắc với tên gọi “Gió Đại Phong”. Nay Quảng Bình có thêm một niềm tự hào mới: Là “thiên đường” của du lịch mạo hiểm, khám phá những hang động kỳ vĩ, tráng lệ và huyền ảo đến mộng mị. Du lịch hang động là “đặc sản” đáng thưởng thức nhất, là “thương hiệu” của của Quảng Bình. Đến Quảng Bình mà chưa vào hang là chưa vô tới Quảng Bình, chỉ mới tạt qua Quảng Bình thôi…

Du lịch khơi nguồn khởi nghiệp

Quảng Bình là mảnh đất nhỏ đầy nắng gió bão bùng của miền Trung với diện tích chỉ 8.065km2 nhưng sở hữu một “kho báu” du lịch độc đáo khiến bất cứ xứ sở nào trên hành tinh cũng phải ước ao. Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi hội tụ vẻ đẹp của chốn bồng lai, tiên cảnh và được UNESCO 2 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới ở 2 tiêu chí địa chất, địa mạo – đa dạng sinh học.

Trong lòng khối núi đá vôi Kẻ Bàng lớn nhất Đông Dương ấy là gần 350 hang động lớn nhỏ hình thành từ hàng trăm triệu năm trước, với hình sắc tuyệt mỹ của tạo hóa ban tặng. Nơi đây sở hữu nhiều tiêu chí đứng đầu thế giới như: động Phong Nha có sông ngầm dài nhất thế giới; động Thiên Đường có thạch nhũ đẹp nhất thế giới; hang Sơn Đoòng kỳ vĩ nhất thế giới – viên ngọc vô giá của riêng du lịch tỉnh này và Việt Nam nói chung… Và Quảng Bình được ví là “Vương quốc hang động” của thế giới.

Tiềm năng du lịch nơi này còn sở hữu những bãi biển đẹp hoang sơ sẵn sàng hút những ánh nhìn khó tính nhất. Thêm vào đó là các địa danh nổi tiếng như Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, núi Thần Đinh, chùa Hoằng Phúc, hang Tám Cô, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ Vũng Chùa – Đảo Yến…

Để khai mở những tiềm năng du lịch, tỉnh Quảng Bình xác định một trong những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 là “phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài khẳng định: “Cùng với việc kêu gọi đầu tư, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh du lịch, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong du lịch, để mỗi người dân sẽ là một hướng dẫn viên…”.

Theo đó đến năm 2020, Quảng Bình sẽ hình thành 4 trung tâm du lịch: Phong Nha – Kẻ Bàng, Nhật Lệ – Bảo Ninh, Vũng Chùa – Đảo Yến, khu nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh. Cùng với đó, tình này sẽ đón 5,5 triệu lượt người, doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân 9 – 10%/năm và trở thành một trung tâm du lịch của Việt Nam và Đông Nam Á…

Ngành “công nghiệp không khói” mang tên du lịch luôn mang đến sự mới mẻ, hấp dẫn và đầy thử thách đối với doanh nhân. Nhất là với người trẻ. Riêng Quảng Bình, các tiềm năng và chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của chính quyền, các cơ quan chức năng trong vài năm trở lại đây đã mở toang cánh cửa khởi nghiệp cho những người muốn dấn thân. Nhiều doanh nghiệp du lịch trẻ ra đời và góp phần đưa nền du lịch Quảng Bình cất cánh phát triển mạnh mẽ…

Vùng hang động rũ “tấm áo lâm tặc”

Hang Va tuyệt đẹp bởi bàn tay tạo hóa. Ảnh: Ryan Deboodt

Du lịch cộng đồng (DLCĐ) như: Homestay (du lịch nghỉ dưỡng gắn liền với cuộc sống người dân bản địa, ở nhà dân) hay Farmstay (ở nông trại) tại Quảng Bình đang hút khách trong những năm trở lại đây. Theo Sở Du lịch tỉnh này thì DLCĐ có “đất sống” tốt ở khu vực quanh Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng và ven biển với những bài cát phẳng dài thơ mộng và trù phú. Những nơi này mang vẻ đẹp nguyên sơ của rừng, của biển và đời sống dân cư thuần hậu, chất phác không những góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch phong phú và hấp dẫn của địa phương mà còn mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống cho người dân.

Ở ven biển TP Đồng Hới (Quảng Bình) có thể kể đến Homestay Beach House, Ocean View Homestay… đang rất hấp dẫn khách, nhất là du khách quốc tế bởi vẻ đẹp thơ mộng của biển, những bãi cát trắng dài soi nắng pha lê trải dài xuống biển xanh, gió thổi phiêu bồng… Nơi lý tưởng cho những người thích tĩnh lặng, thanh bình và muốn hòa mình vào cuộc sống của thiên nhiên, với người dân làng chài mộc mạc, xa rời chốn thành thị ồn ào.

Ngược lên khu vực quanh Phong Nha – Kẻ Bàng – “trái tim của du lịch Quảng Bình”, DLCĐ đang phát triển mạnh bằng nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo và có hiệu quả với 18 cơ sở lưu trú du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng. Nổi bật lên trong đó như: Jungle Boss Homestay, Phong Nha Farmstay, Chay Lap Farmstay, Ho Khanh Homestay, Mountain House, River View, Be Home… Anh Lê Lưu Dũng – chủ nhân của Jungle Boss Homestay (nơi được trang mạng du lịch lớn nhất thế giới – Trip Advisor xếp thứ nhất trên tổng 33 homestay và nhà nghỉ ở Phong Nha do du khách bình chọn) chia sẻ: “Lợi thế lớn nhất của mô hình DLCĐ là khi đầu tư sẽ không đòi hỏi vốn lớn và tính bền vững cao, rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân bản địa”.

Vì sao mô hình này lại hút khách đến vậy? Bởi đơn giản, du khách sẽ ngủ trên bộ phản gỗ như cả trăm năm trước dân làng Phong Nha đã ngủ, ăn những món ăn từ rau cỏ vườn nhà, cá sông, gà đồi. Ngày họ theo các tour mạo hiểm, khám phá hang động, chiều về vẫy vùng tắm mát trên dòng nước trong xanh của sông Son, ngồi trên chiếc sàn tre trước sân với cái “view” đẹp đến mộng mị trông ra những cánh đồng, dòng sông, dãy núi đá vôi ngắm hoàng hôn với chai bia lạnh.

Hiện ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động dịch vụ du lịch như: chèo thuyền (gần 400 chiếc phục vụ khách vào các tham quan các hang động như: Phong Nha, Tiên Sơn, sông Chày – hang Tối), lái xe điện, xe khách; nhà hàng, bảo vệ; hướng dẫn viên… Vài năm trở lại đây, các đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch, khai thác tour, tuyến khám phá hang động ra đời với định hướng “lôi kéo”cộng đồng cùng phát triển, sử dụng lao động ngay ở địa phương để giúp họ có thu nhập ổn định. Đại diện tiêu biểu cho sự đổi thay này là khoảng 600 porter – người khuân vác, vận chuyển hậu cần phục vụ khách trong tổng cộng 12 tour tuyến khám phá, mạo hiểm hang động ở Quảng Bình. Xưa họ là những sơn tràng khỏe nhất, bẫy thú, cưa gỗ, phá rừng giỏi nhất. Nay cũng vào rừng, nhưng họ rũ bỏ “tấm áo lâm tặc” phục vụ các tour tuyến và tạo ra nguồn thuế, ngân sách để bảo vệ rừng.

Khi thực hiện những dòng đầu tiên bài viết này, hình ảnh bật dậy đầu tiên trong tâm trí tôi là những buổi chiều ngồi nhâm nhi tách cà phê ở Oxalis Home (trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Chua Me Đất – đơn vị lữ hành quốc tế với nhân sự gần 500 người, 90% trong đó là người bản địa). Nắng nhuộm vàng trời làng Phong Nha. Trên bờ, hàng trăm porter sau chuyến đưa khách vào hang vài ngày trở về rôm rả chuyện trò. Nhìn xuống sông Son, cả trăm chiếc thuyền chở khách nối nhau ngược xuôi động Phong Nha, lướt nhẹ qua những hàng phượng vĩ đỏ ối dọc triền sông, tôn thêm vẻ kiêu hãnh của những ngọn núi đá vôi ngang tầm mây trắng…

Quảng Bình cất cánh

Khách quốc tế của Jungle Boss thỏa thích trải nghiệm trong rừng sâu Phong Nha. Ảnh: NVCC

Còn nhớ năm 2011, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và đặt mục tiêu cho năm 2020 đón 2,2 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, đóng góp vào GDP tỉnh xấp xỉ 2%. Nhưng chỉ 6 năm sau – 2017, Quảng Bình đã cán mốc đạt 3,3 triệu lượt và khoảng 100.000 lượt trong số đó là khách quốc tế; doanh thu đạt 3.706,3 tỷ và đóng góp GDP đã vượt ngưỡng 10%. Đó thực sự là những con số biết nói!

Cũng trong năm 2017, đưa lên “bàn cân” với các điểm đến du lịch ở Việt Nam, Tạp chí Lonely Planet – tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới bình chọn Phong Nha – Kẻ Bàng là 1 trong 2 nơi trải nghiệm hấp dẫn nhất và dành 8 trang để giới thiệu về Quảng Bình; website Trip Advisor cũng công bố Quảng Bình là 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất. Đối với thế giới, tờ New York Times bình chọn hang Sơn Đoòng (địa danh duy nhất ở châu Á) là 1 trong 8 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh; hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng trở thành tâm điểm của du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch thế giới WTM London 2017…

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Đặng Đông Hà – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình chia sẻ: “Với tình hình hiện tại, mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách vào năm 2020 của Quảng Bình đã nằm gọn trong tay. Du lịch Quảng Bình có thể làm nên làn “Gió Đại Phong” cho du lịch Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng hay không ư? Hãy nhìn vào những con số thống kê biết nói mà những sản phẩm mang “thương hiệu” của “vương quốc hang động” Quảng Bình và những dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng phức hợp, mua sắm sắp khởi công, mà chắc chắn sẽ khó có một nơi nào khác tạo ra được”.

Nguồn baophapluat.vn