Tranh thủ hai ngày nghỉ, tôi đi chơi xa một tí. Điểm đến là Hang Én nằm trong vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Lý do cũng chỉ vì tò mò. Thế là tôi bắt tàu đi Quảng Bình.

Đi tàu có cái hay là thong thả và không nhàm chán. Không vèo một cái như đi máy bay cùng những người khách ngồi một chỗ thắt dây, đi tàu cứ vài tiếng lại tới một ga, người lên, kẻ xuống, nói cười xao xác, cảm nhận về các vùng miền của nước mình rõ lắm. Từ Hà Nội tôi bắt tàu tối, sáng sớm hôm sau tới Đông Hà, bắt ngay chuyến xe đò ở cây cầu gần đó, xe cũ nhưng vui, đi cùng người Đông Hà đi học, đi làm sáng sớm, và chỉ hơn một tiếng là tới Phong Nha. Bên công ty tour du lịch đón tôi và đoàn khách hơn chục người đi Hang Én hôm nay, giới thiệu và hướng dẫn an toàn đầy đủ, rồi xe chở đoàn đi sâu vào Vườn quốc gia, tới km 35 của quốc lộ 15 đường Hồ Chí Minh Tây. Từ đó, tầm 10 giờ sáng, đoàn bắt đầu đi vào rừng.

Chiều đi khá ổn, chúng tôi xuống khoảng 400 mét núi, cây rừng rậm che hết mặt trời. Cũng lâu rồi tôi mới đi dã ngoại vào rừng, ngửi lại mùi cây cối, để ý đến đường, đất, đá chung quanh. Cơ thể và các giác quan như được kích hoạt trở lại (thay chỉ vì dùng mắt và bàn tay phải để làm việc ở văn phòng). Lúc xuống gần tới suối, cái cảm giác nghe thấy tiếng nước chảy mãi từ xa, rồi to dần để định hướng mình đi, rất khác lạ. Nếu như hàng ngày ở thành phố mình phải chặn sự ồn ã lại – đóng cửa sổ, bật điều hòa, làm việc yên tĩnh trong những góc riêng, và còn phải dùng cả tai nghe để bịt cái âm thanh bên ngoài – thì ở rừng, chẳng có gì cản được tiếng chim, tiếng ve, gặp may thì nghe cả tiếng vượn hú…

Suối đây rồi, chính là con sông Đoòng lắt léo dẫn vào sâu trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng. Có lẽ chính con suối này và các mạch nước ngầm đã kết nối tất cả hang động ở đây từ lâu đời. Cứ theo suối này đoàn tôi đi. Lúc đầu tôi cứ lo vì không có giày đi rừng – tôi chỉ mang theo đôi giày lười thể thao và đôi xăng-đan để lội suối. Nhưng tôi là người duy nhất lo xa như vậy, cả đoàn – Tây lẫn ta – đều lội nguyên cả giày xuống suối rồi lên bờ đi tiếp, cứ thế hơn 20 lần qua các con suối từ nhỏ, tới to nước ngập tới bắp chân và chảy xiết. Cảm giác đi giày, quần sũng nước lang thang gần 10 cây số giữa núi rừng hai bên dưới trời nắng gắt, thật khác lạ so với cách giữ gìn sức khỏe của dân thành thị.

Cứ như vậy chúng tôi đi bộ theo con suối để tới Bản Đoòng nghỉ trưa, rồi đi tiếp buổi chiều để tới Hang Én. Cô con gái 5 tuổi của tôi nếu được đi cùng lúc này chắc sẽ khoái lắm vì có quá nhiều bướm ở suối, ở khe đá, đủ màu sắc và hoàn toàn không sợ người. Dưới suối, cá cũng nhiều, như kiểu cá trong quán massage, nhưng có lẽ do không có nhiều người lội qua suối nên cá ở đây cắn khá mạnh. Nếu tự đi một mình, chắc chắn tôi sẽ ngồi nghỉ lại ở suối và nhởn nha hơn một tí. Nhưng đi theo đoàn nên phải di chuyển cùng mọi người, hơn 3 giờ chiều chúng tôi tới Hang Én.

Tôi đã đọc về Hang Én, hang lớn thứ ba trên thế giới, và thứ hai ở nước mình chỉ sau Sơn Đoòng (nằm khá gần với Sơn Đoòng). Hang Én có ba cửa hang, và thực tế chỉ có hai cửa là con người có thể vào được. Vào hang phải đội mũ, đeo đèn, đi dọc theo con suối dẫn mãi vào giữa hang, nơi có một cồn cát nhỏ nước sông để lại và chúng tôi cắm trại ở đó. Tôi hình dung độ cao của cửa hang với tòa nhà cao tầng ở Hà Nội. Nhìn lên nóc cũng giống như ngước lên đỉnh mấy chung cư ở nhà. Nhưng cái khác của Hang Én mà tôi thích là sự đa dạng, khác biệt ở từng chi tiết, kiểu như ngày xưa nằm ở sân trường nhìn lên một tán cây phượng, cành dài cành ngắn, vài tàn hoa luống cuống sót lại sau hè, cành lá đung đưa. Còn nhìn chung cư, cao ốc thì đều chằn chặn và chắc chắn là không đung đưa, không có gì bí ẩn. Hang Én là nơi làm tổ của rất nhiều chim, cho nên tôi nhặt được nhiều lông chim, thấy cả những gì chim để lại (sau ăn) rồi tự hỏi góc này góc kia trên nóc hang vẫn chưa biết có tổ không, dân bản địa leo kiểu gì lên đó để lấy trứng chim nấu cháo? Cuộc sống thường nhật ở đô thị giờ gắn với xi măng, sắt thép, kính (bất biến) nhiều hơn là lông chim, đất cát, kiến, nhện và các thành phần khác của thiên nhiên. Sự biến đổi đó không hề tốt cho con người mà đặc biệt là trẻ em…

Ngủ lại trong Hang Én là một trải nghiệm khó tả bằng lời. Tôi nhanh chân chọn hàng lều phía trên, nhìn thẳng ra cửa hang cao. Đêm khi đèn tắt hết thì đó là nơi sáng nhất, có sao, và vẫn loáng thoáng thấy cây lá đung đưa. Tôi có mang theo chiếc ấm nhỏ nên có thể “thưởng trà” một mình trong lều, viết một tí, rồi lăn ra ngủ sau một ngày dài lội suối.

Chặng về ngày hôm sau chúng tôi đi đường khác và ghé qua Hang Lạnh – vừa được phát hiện năm ngoái. Ban đầu, mới bước vào hang chúng tôi cứ tưởng đó là khe suối nhỏ, đến lúc mặc áo phao vào và bơi theo đoàn, bật đèn lên mới cảm nhận hết được cái nguyên sơ của hang nước dài 7 cây số ra sao. Chỉ vào sâu tầm 400 mét, nước đã lạnh kinh khủng nhưng trong veo, nhìn được những con cá, con tôm với hình thù khá lạ, hay tận mắt thấy những vỏ sò đã bị hóa thạch gắn vào đá trong ánh đèn pin loang loáng. Buổi trưa chúng tôi ăn ở ngay cửa hang trong bộ quần áo ướt sũng trước khi trở về.

Chặng cuối cùng phải leo trở lại 400 mét núi để lên đường quốc lộ căng hơn tôi tưởng. Phải leo nhanh vì trời sắp đổ mưa khiến tôi tưởng như đứt thở đôi lần.

Lên quốc lộ là có sóng điện thoại và 4G, sức ép gia đình và công việc quay trở lại tức thì nhưng tôi chưa muốn kết nối với e-mail từ hai ngày trước. Vẫn thèm ngây ngô đúng kiểu người rừng!

Theo Ngọc Anh (Thời báo Sài Gòn)