Đường Trường Sơn huyền thoại trên đất Quảng Bình
(QBĐT) – Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hệ thống đường Trường Sơn đi qua tỉnh ta gồm có 2 trục dọc và 6 trục ngang, là mạch máu giao thông vô cùng quan trọng chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, đường Hồ Chí Minh được xây dựng lại, đã tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.
Nhánh quan trọng nhất của đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình là đường 15, chạy dọc ven rừng Trường Sơn từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến Bến Quan (Vĩnh Linh) dài 285 km. Tuyến đường này có nhiều trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ như bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch), phà Long Đại (Quảng Ninh), ngầm Thác Cóc (Lệ Thủy), có 39 cầu cống và 37 ngầm qua khe suối, trong đó có ngầm Khe Rinh là một trong những trọng điểm ác liệt nhất.
Viếng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết thắng.
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, ngầm Khe Rinh có đợt địch đánh liên tục 75 ngày đêm, mỗi ngày trung bình 10 trận. Bom đạn Mỹ đã phá hủy hoàn toàn một đoạn đường 500m chạy qua dãy đá vôi. Công trường 505 với 480 công nhân đã bám trụ mặt đường, bảo đảm thông đường, thông xe dưới làn mưa bom bão đạn của địch.
Tuyến đường 12A, bắt đầu từ ngã ba Khe Ve, xã Hóa Thanh (Minh Hóa) lên đèo Mụ Giạ giáp biên giới Việt Lào, có chiều dài 44 km. Đây là con đường xung yếu, độc đạo chạy men theo các vách núi cao. Trước năm 1966, đường 12A là con đường duy nhất vượt Trường Sơn nên bị đánh phá khốc liệt. Ở đây có những trọng điểm nổi tiếng như Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời và Đồi 37… Công trường 12, Đội thanh niên xung phong 75 và Binh trạm 12 đã bám trụ ở đây từ đầu cho đến kết thúc chiến tranh.
Bộ đội Trường Sơn đã lập được thành tích vô cùng xuất sắc tại khu vực La Trọng. Trong lúc xăng dầu chi viện cho tuyến 559 ở phía trước bị đứt quãng, Binh trạm 12 phụ trách khu vực đã tổ chức chuyển xăng qua lưới bom đạn địch, bằng mọi giá cũng phải chuyển qua được khu vực La Trọng. Bộ đội và thanh niên xung phong có từ 900-1.400 người đã có lúc cõng xăng bằng ba lô, ống bương vượt qua trọng điểm, rộp cả lưng, vẫn chưa đáp ứng cho lực lượng xe chuyển vào chiến dịch.
Việc chuyển xăng qua La Trọng lại phải tổ chức khiêng từng thùng phuy, khiêng qua đèo cao, vực sâu, có lúc cả phuy xăng và người lăn xuống vực, sau lại dùng can, mỗi người phải dùng 2 can (40 lít). Riêng trong đợt vận chuyển xăng cấp cứu cho lực lượng xe trong tháng đường bị tắc này đã có trên 60 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội và thanh niên xung phong hy sinh.
Tuyến đường 20 Quyết thắng, xuất phát từ thôn Phong Nha (Bố Trạch) lên Cà Roòng, chọc thủng dãy đá vôi của Trường Sơn, nối liền với đường 128 ở ngã ba Lùm Bùm (Lào), có chiều dài 123 km. Trong thời điểm yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn, chỉ một tuyến đường 12A không thể đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá, vũ khí cho chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở thêm cửa khẩu thứ hai vượt đỉnh Trường Sơn để vừa phá thế độc đạo nhằm phân tán mật độ đánh phá của địch, vừa rút ngắn được cường độ vận chuyển từ phía Bắc xuống đường 9. Đường 20 có đến 8 trọng điểm. Báo chí thường gọi đó những “tọa độ lửa” mà ai vượt qua được sẽ trở thành một loại “thép đặc biệt không bị nóng chảy”.
Trong đó ác liệt nhất là tập đoàn trọng điểm “.T.P”, tức là cua chữ A, ngầm Tê Lê và đèo Phu – La – Nhích. Tại cây số 16, một trận ném bom của đế quốc Mỹ đã làm sập lèn đá khoảng 100 tấn lấp cửa hang, vùi lấp 6 thanh niên xung phong và 2 chiến sĩ lái xe húc, cả 8 người cùng quê Thanh Hóa, gồm 4 nam và 4 nữ, phần lớn độ tuổi từ 18-20. Đây là hang mộ chung của 8 người. Hiện nay khu di tích này đã trở thành một địa danh lịch sử nổi tiếng của đường Trường Sơn.
Tuyến đường 10, bắt đầu từ Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) đi về phía Tây 69 km, gặp đường 18 rẽ xuống đường 9. Tuyến đường 16, có điểm đầu từ ngã ba Thạch Bàn (Lệ Thủy) đến Làng Ho, dài 40 km, con đường này được khởi công từ 1958, hoàn thành vào năm 1960 và đến tháng 6-1969 thì được sửa chữa nâng cấp để sử dụng vận tải cơ giới. Tiếp đó đường 16 được kéo đài từ Làng Ho, vượt Trường Sơn từ phía Bắc sông Xê – Băng – Hiêng, có chiều dài 44 km, vận chuyển bằng xe thồ. Sau khi làm xong, 4.000 dân công Thanh Hóa đã được điều đến tuyến đường này để vận chuyển bằng xe thồ…
Đường 16 có nhiều điểm xung yếu như dốc Khỉ, đèo 1001; lúc đầu chỉ vận chuyển bằng xe thồ, nhưng về sau đã vận chuyển bằng xe cơ giới, trên cả toàn tuyến có chiều dài 84 km. Tuyến đường 16 đã chi viện đắc lực cho chiến trường Trị – Thiên từ năm 1969-1972…
Tháng 4, năm 2000, Chính phủ cho xây dựng lại đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I), vùng phía Tây tỉnh ta được đổi thay, khởi sắc qua từng ngày. Dọc tuyến đường đã có hàng loạt thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung hành thành như thị tứ Tân Ấp, thị tứ Phong Nha, thị tứ Thạch Bàn, làng Thanh niên lập nghiệp An Mã, khu dân cư tập trung Thanh – Hương – Lâm…Nhánh Tây có các thị tứ Trường Sơn, Lâm Thủy, Xuân Trạch…
Đường Hồ Chí Minh đi qua vùng phía tây Bố Trạch.
Bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch) xưa là trọng điểm đánh phá khốc liệt, nay đã là bến đỗ bình yên cho các tàu thuyền chở du khách chiêm ngưỡng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ở nhánh Tây, tuyến đường 20 Quyết thắng gắn liền với huyền thoại về Hang tám TNXP hy sinh khi vào hang tránh bom, nay đã được đầu tư xây dựng nhà lưu niệm, nơi viếng thăm của nhiều du khách. Tuyến đường này từng một thời là tuyến lửa của Binh trạm 14.
Ngã tư Trạ Ang nối liền nhánh Đông và Tây Trường Sơn và đường 20 Quyết thắng nổi tiếng là một tử địa trong thời kỳ chống Mỹ, nay đã có chiếc cầu bê tông vạm vỡ bắc ngang thông suốt đi lại. Đứng ở đây có thể tùy nghi lựa chọn cách di chuyển về hướng Đông hay sang hướng Tây để khám phá những cánh rừng già nguyên sinh trên đỉnh U Bò.
Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh ta với hệ thống đường giao thông liên hoàn tạo nên sự gắn kết giữa các vùng kinh tế trong tỉnh, đó là vùng kinh tế rừng, vùng gò đồi, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Đặc biệt từ khi có tuyến đường 12A với trung tâm kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã mở ra hướng phát triển kinh tế giữa tỉnh ta và nước bạn Lào và vùng Đông bắc Thái Lan. Đường Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh ta đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch khám phá Di sản Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các thắng cảnh rừng nhiệt đới, suối khoáng Bang, núi Thần Đinh, các di tích lịch sử Đường 20 Quyết thắng, đèo Mụ Giạ, Cổng Trời, Cha Lo…
Có thể nói đường Trường Sơn năm xưa và đường Hồ Chí Minh hôm nay đi qua Quảng Bình có vị trí đặc biệt, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc và phát triển kinh tế -xã hội vùng phía Tây tỉnh nhà.
Nguồn baoquangbinh.vn
Bình luận bài viết