Chấn chỉnh văn hóa du lịch
(LHT) – Năm 2015, có khoảng 45 triệu người Việt đi du lịch trong nước và hơn 6 triệu người đi du lịch nước ngoài. Nhiều người lần đầu đi chơi xa, thiếu sự hướng dẫn nên mang theo thói quen tự nhiên như “ở nhà”. Tuy điều này chưa thật phổ biến nhưng không còn là cá biệt, đang mỗi ngày làm xấu hình ảnh người Việt, đặc biệt là khi ra nước ngoài.
Doanh nghiệp lữ hành cần thông tin chi tiết đến du khách những việc, hành
vi được hoặc không được làm khi đi du lịch nước ngoài.
Những thói quen xấu
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour, trong những thói quen xấu của người Việt, cần phải nhắc đến thói xấu trong ăn uống. Ẩm thực Việt Nam cực kỳ phong phú nhưng văn hóa ẩm thực thì lắm chuyện tréo ngoe. Nhiều du khách Việt Nam ăn uống ngấu nghiến và hùng hục như “tằm ăn dâu”, ăn xong cứ vô tư ngậm tăm trên miệng. Thói quen dùng đũa, muỗng riêng để lấy thức ăn chung, gắp đồ ăn cho người khác, ăn uống nhồm nhoàm, ồn ào cụng ly, ăn buffet thì lấy thật nhiều, vừa đi vừa ăn, bỏ thức ăn thừa mứa… Ban đầu nhà hàng và hướng dẫn viên còn nhắc nhở nhẹ nhàng, sau đó nặng lời nhưng khách vẫn “chứng nào tật đó” nên đành trương bảng “bêu gương”. Có thể bắt gặp bảng cảnh báo thói xấu ăn uống bằng tiếng Việt ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Một số người Việt quan niệm sử dụng các dịch vụ phải đáng đồng tiền bỏ ra, nên không có ý thức tiết kiệm điện, nước, thực phẩm khi sử dụng.
Nhiều người Việt không có thói quen đúng giờ, gây không ít phiền hà và làm người khác khó chịu. Đi ô tô còn đỡ, đi tàu điện, tàu lửa thì thói quen đó dễ khiến họ bị nhỡ chuyến, làm chương trình của cả đoàn bị đảo lộn. Đó là chưa kể với nhiều người, những chuyến đi dường như là cơ hội để chụp ảnh “tự sướng”, mê mải đến mức sẵn sàng đạp lên cỏ hoa, leo lên tượng, bất chấp bảng cấm chụp hình. Đi chơi thì không cần nghe thuyết minh, ít chịu tìm hiểu lịch sử, văn hóa điểm đến, đó cũng là thói quen không có ích. Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng dẫn chứng câu chuyện về việc trang phục của người Việt. Nhiều người có thói quen mặc đồ ngủ khi ra khỏi nhà, thậm chí cả khi xuống hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo… Có người mang thói quen đó khi ra nước ngoài, khi lên chuyến bay nội địa, như thể coi thế giới như nhà mình vậy. “Mình nghèo, nhưng ra đường là phải tươm tất, để không bị coi thường”, ông Nguyễn Văn Mỹ dẫn lời một du khách khi phải chứng kiến cách ăn mặc “không giống ai” của người cùng đoàn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet: Trong Luật Du lịch 2016, tại phần Nghĩa vụ của khách du lịch, nên bổ sung quy định khách du lịch Việt Nam có trách nhiệm ứng xử văn minh và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch, bởi gần đây đã có nhiều ý kiến phản ánh thói xấu của người Việt khi đi du lịch. Với những hành vi gây ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia, cần phải kiên quyết áp dụng hình phạt thích hợp, thậm chí là cấm xuất cảnh.
“Luật hóa” nghĩa vụ của khách du lịch
Ai cũng có thể hiểu rằng, hậu quả của thói hư tật xấu là chúng ta bị coi thường. Theo ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch – Viện Đại học Mở Hà Nội, những hành vi không đẹp của du khách Việt ít nhiều gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. “Dù đó chỉ là biểu hiện nhỏ của một số người, nhưng khi không có điều kiện trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam thì người ta dễ dàng khái quát hóa người Việt Nam là như vậy, và sẽ có cái nhìn sai lệch về người Việt”, ông Vũ An Dân chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Bộ Ngoại giao và Bộ VH,TT&DL, cụ thể là Tổng cục Du lịch cần sớm biên soạn bộ quy chế chuẩn văn hóa tối thiểu của người Việt khi ra nước ngoài, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những người có hành vi làm hoen ố hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Với cá nhân vi phạm, chúng ta có thể áp dụng hình thức cấm xuất cảnh, từ có thời hạn đến vĩnh viễn. Với các đơn vị, tổ chức vi phạm thì cần truy cứu trách nhiệm lãnh đạo, thu hồi giấy phép, tùy hậu quả mà áp dụng hình thức cấm kinh doanh du lịch từ có thời hạn cho đến vĩnh viễn.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, cho đến nay, chế tài ràng buộc trách nhiệm về hành vi ứng xử của du khách chưa có, nhưng trong các văn bản hướng dẫn của Ngành Du lịch cũng như trên các diễn đàn thông tin chuyên ngành, Tổng cục đều lưu ý vấn đề văn minh du lịch. “Cụ thể, chúng tôi quy định những vấn đề du khách được làm, không được làm để dần dần xây dựng một thế hệ du khách thông minh hơn, văn minh hơn, rõ ý thức bảo vệ môi trường xung quanh. Còn nói về quy tắc ứng xử dành cho du khách thì Tổ chức Du lịch thế giới đã có và Tổng cục Du lịch đã phổ biến trên các website của ngành và các địa phương”, ông Hà Văn Siêu khẳng định.
Dù sao thì việc xác định chế tài đối với hành vi làm ảnh hưởng tới thể diện quốc gia, hình ảnh du lịch Việt Nam cũng cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, dù đó là điều không ai mong muốn xảy ra.
Tác giả Lâm Vũ (hanoimoi.com.vn)
Bình luận bài viết