Trên con đường Trường Sơn lộng gió của ngày hè, chúng tôi về lại hang Lèn Hà ở Tuyên Hóa, Quảng Bình, thắp những nén hương thơm cho những chiến sỹ đã ngã xuống vì đất nước, mắt ai cũng nhòa lệ khi nghĩ đến cái chết bất tử của 13 người lính thông tin vào chiều hè ngày 2-7-1972.

Trong bảng lảng trời chiều của ngày hè, giữa mênh mông của núi, của đá nghe lanh lảnh đâu đây tiếng cười, tiếng nói của những người lính ngày rời quê hương không ngày trở lại. Hồn xác của các anh, các chị đã hóa vào sông, núi để đất nước mãi trường tồn.

Năm 1971, cả dân tộc cùng chung dòng suy nghĩ “Tất cả vì miền Nam, tất cả để đánh thắng”, Trạm cơ vụ A69 đóng tại hang Lèn Hà giữa núi rừng Trường Sơn bạt ngàn nắng gió. Nhiệm vụ của những người lính thông tin ở hang Lèn Hà là bảo đảm đường dây khai thác mạng thông tin hữu tuyến điện chiến lược của Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc, phục vụ cách mạng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Lào.

Chỉ với hai chiếc máy VBO12, VBO3, tổng đài 100 số, máy TCT1, 2 chiếc máy nổ KVA và 2 nhóm bình ác quy 24 vôn, trạm cơ vụ A69 đã bảo đảm thông tin Bắc-Nam từ Hà Nội đến đường 9-Nam Lào, Cụm kho Binh trạm 25 thuộc đoàn 559, Sư đoàn phòng không 367, bảo vệ các điểm trọng yếu trên tuyến đường giao thông huyết mạch từ Hương Khê-Hà Tĩnh đến Tân Ấp-Quảng Bình, Đồn Biên phòng Cha Lo. Các anh, các chị còn làm nhiệm vụ tiễu phỉ bảo vệ cửa khẩu biên giới Việt-Lào.

Đường dây của trạm cơ vụ đi qua nhiều trọng điểm bắn phá ác liệt của địch, địa hình lại hết sức hiểm trở, núi cao, vực sâu nhưng những người lính thông tin đều chung ý chí và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình bởi “Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác mệnh lệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phối hợp lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.

Những người lính của Trạm cơ vụ A69 rời quê hương khi tuổi mới mười tám đôi mươi. Nhiều người tạm biệt mái trường, gia đình lên Trường Sơn đánh giặc khi còn chưa mang một nỗi nhớ thầm.

len-ha

Hang Lèn Hà nơi tưởng niệm những người lính thông tin đã anh dũng hy sinh vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Đọc lại những trang nhật ký của các anh, các chị không ít người mắt đẫm lệ: “Đêm đầu tiên đến Trường Sơn, giữa núi rừng bạt ngàn không ánh đèn, chỉ nghe tiếng vi vi của gió, tiếng kêu tiếng hú đến rợn người của núi rừng lại nhớ mẹ cha biết mấy, nhớ bạn bè, nhớ quê hương… Nhưng xác định mình đi đánh giặc là để bảo vệ những người mình thân yêu nhất nên nỗi nhớ nhiều khi phải gác lại”.

“Lần đầu nghe tiếng bom nổ giật bắn cả mình, ai nói không sợ đạn bom là không nói thật, mình rất sợ nhưng phải tìm cách chiến thắng đạn bom thôi. Ước chi chiến tranh kết thúc, mang chiếc chõng ra giữa sân nhà nằm ngắm trăng rồi xây dựng cuộc sống thật đầm ấm, giản dị với người đó thì thích biết mấy”…

Hang Lèn Hà nơi trạm cơ vụ A69 đóng quân nằm trong rừng già giáp biên giới nước bạn Lào. Muốn vào trạm phải vượt qua một đoạn dốc Bà Tôn, cao, trống trải, bên trong là núi đá và rừng. Lèn Hà cao chừng 150m, có đỉnh cao nhất là 320m, lưng chừng núi có một hang đá rộng khoảng 420m², được các chiến sỹ của binh trạm cải tạo thành nơi đặt máy móc điện đàm, dưới núi là rừng cây rậm rạp rất dễ ngụy trang được xây dựng khu nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sỹ Binh trạm A69.

Tại khu vực binh trạm, giặc bắn phá suốt ngày đêm, nhưng những chàng trai cô gái của núi rừng vẫn hiên ngang, bình tĩnh tạo nên một mạng lưới thông tin thông suốt từ hậu phương đến tiền tuyến, nhất là các sở chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị tác chiến, góp phần tích cực đến thắng lợi to lớn của chiến dịch Quảng Trị năm 1972.

Ngày hè đỏ lửa (2-7-1972), trong lúc các chiến sỹ Binh trạm A69 đang làm nhiệm vụ, máy bay giặc ập đến bất ngờ bắn pháo khói vào nhà ăn của trạm để chỉ điểm, chưa đầy 5 phút sau, hai máy bay B52 lao đến ném bom, đánh phá, cả khu vực trạm cháy không ngừng.

Chỉ 5 phút, địch đã cướp đi tuổi thanh xuân của 13 chiến sỹ tại binh trạm, trong đó có 10 chiến sỹ là nữ giới. Nhưng cũng chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, đường dây liên lạc quan trọng đã được đồng chí, đồng đội của những người ngã xuống thông suốt. Sau đó, các anh, các chị mới đào bới, đi tìm và mai táng đồng đội của mình.

13 chiến sĩ thông tin hy sinh khi đang cầm chặt ống nghe nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Sự hy sinh anh dũng của họ không khác gì những người con quả cảm của đất Việt ở hang Tám Cô, Ngã ba Đồng Lộc hay Truông Bồn…

Đến hang Lèn Hà, thắp những nén hương tưởng niệm các liệt sỹ và hoài niệm, ký ức anh hùng của những chiến sĩ hang Lèn Hà lại thắp lửa trong tim. 13 bát nhang nằm cạnh nhau, khói hương bay trong chiều, tay mân mê dò từng cái tên của 13 người lính hy sinh quả cảm nơi đây tôi vô cùng xúc động khi nghĩ tới những sự trùng hợp đến kỳ lạ.

Cách hang Lèn Hà không xa cũng trên trục trường Trường Sơn có hang Tám Cô, nơi đó cũng có 13 người lính và thanh niên xung phong hy sinh. Và ở Truông Bồn, số chiến sĩ hy sinh trong một ngày định mệnh cũng là 13 người. Nếu ở Ngã ba Đồng Lộc có 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh cùng lúc thì ở hang Lèn Hà cũng có 10 chiến sĩ nữ hy sinh.

Trong số 13 chiến sĩ hang Lèn Hà hy sinh có 3 người là nam giới gồm Đàm Văn Trình, Trần Văn Xay và Dương Văn Chấn. 10 chiến sỹ nữ hy sinh tại hang Lèn Hà duy chỉ có chị Vũ Thị Lan lớn tuổi hơn. 9 chị em còn lại họ đều rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 16, 17 như chị Chu Thị Mạnh và Ngô Thị Luận, Nguyễn Thị Anh, Lê Thị Châm, Cao Thị Xuyến, Trần Thị Loan, Nguyễn Thị Thảo, Hoàng Thị Linh, Bùi Thị Lung.

Đứng bên hang Lèn Hà khi nghe kể về câu chuyện tình xúc động của chị Vũ Thị Lan, mọi người đã rơi nước mắt. Chị Lan yêu anh Hưng một người cùng đơn vị trên đường Trường Sơn. Cùng làm việc trên một cung đường, nhưng vì nhiệm vụ có khi cả năm trời họ cũng chẳng được gặp nhau.

Nhà chị Lan nghèo, nhà anh Hưng cũng chẳng khá hơn, biết được hoàn cảnh 2 người, đơn vị tạo điều kiện cho chị Lan để tổ chức đám cưới và lo chuyện cho 2 gia đình ở hậu phương. Ngày cưới đã cận kề, chị Lan lại hy sinh. Nén chặt đau thương mất mát, anh Hưng lại xung phong về trạm A69 để thay chị Lan trực tuyến nơi điểm lửa. Mối tình Trường Sơn của họ đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội trên đường ra trận.

Nhân 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ và 44 năm sự kiện Lèn Hà, để tưởng niệm những người con anh dũng đã ngã xuống, VTV đã tổ chức chương trình mang tên “Alo, đây là A69” tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vào tối 3-7 và phát trực tiếp trên VTV1.

“Alo, đây là A69” là một chương trình được thực hiện theo phong cách mới mẻ, chưa từng có trên sóng VTV với việc kết hợp nhiều hình thức thể hiện như phim truyền hình tương tác, talk show, phóng sự và trình diễn nghệ thuật. Trong đó có nhiều cảnh phim truyền hình phục dựng lại cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của những chiến sĩ Trạm A69 để kết nối mạch chương trình, từ đó dần mở ra câu chuyện xúc động, đầy ám ảnh về những con người cụ thể gắn với “sự kiện Lèn Hà” 2-7-1972 qua những cuộc trò chuyện hay phóng sự, để hiểu thêm những ước mơ, khát vọng hạnh phúc của mỗi người sau khi chiến tranh kết thúc.

Đó là chiến sĩ Trần Văn Xây, một ngày trước khi hy sinh, anh nhận được tin vợ đã sinh con trai. Chưa được nhìn mặt con một lần, anh đã ngã xuống. Đó là chiến sĩ Chu Thị Mạnh vào chiến trường khi mới 15 tuổi và hy sinh khi vừa tròn 16. Không đủ tuổi đáng lẽ không được nhập ngũ nhưng cô gái ấy trèo lên cây dọa tự tử nếu không được đi bộ đội. Đó là chiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, 16 tuổi nhập ngũ mang theo trong balo là chiếc khăn quàng đỏ và con búp bê nhỏ. Cô còn trẻ con đến độ đêm đêm không ôm búp bê là không ngủ được. Một ngày trước khi hy sinh, Lan còn trò chuyện với người yêu đang ở Trạm A10 ngoài Hà Nội hẹn nhau sau này đất nước thống nhất, sẽ về ra mắt gia đình và nên vợ nên chồng. Ngày 2-7-1972, chỉ 1 ngày trước khi ra quân, Lan đổi ca với một đồng nghiệp và rồi vĩnh viễn ra đi.

(Thanh Hằng )

Nguồn cand